Theo dữ liệu từ hệ thống quan trắc không khí IQAir vào lúc 7h30 sáng 15/7, Hà Nội ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức 152 – ngưỡng “không lành mạnh” theo phân loại màu đỏ. Với mức này, Thủ đô đứng thứ 5 trong số 126 thành phố ô nhiễm nhất thế giới thời điểm đó.
Ảnh minh họa.
Tại khu vực phường Tây Hồ, trạm quan trắc ghi nhận chỉ số cao nhất lên đến 198, cũng nằm trong vùng đỏ, tiệm cận ngưỡng rất xấu.
So với Hà Nội, TP.HCM có mức độ ô nhiễm thấp hơn, xếp hạng 22 toàn cầu với chỉ số AQI là 77 – thuộc ngưỡng màu vàng, tức “trung bình”. Cần lưu ý rằng các số liệu này có thể thay đổi theo thời điểm, do ảnh hưởng của giờ cao điểm, hoạt động giao thông và sản xuất tại từng địa phương.
Ở chiều ngược lại, thành phố có không khí sạch nhất vào sáng 15/7 là San Francisco (Mỹ) với AQI chỉ 13 – nằm trong ngưỡng màu xanh “Tốt”.
Bầu trời Hà Nội sáng 15/7. Ảnh: Hoàng Thái
Tại Việt Nam, theo dữ liệu từ VN Air – ứng dụng theo dõi chất lượng môi trường không khí do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát triển – khu vực ô nhiễm nhất vẫn là Hà Nội với chỉ số AQI ở mức 105, tương ứng màu cam, không tốt cho nhóm nhạy cảm. Trong khi đó, địa điểm có chất lượng không khí tốt nhất là phường Cẩm Phả (Quảng Ninh) với chỉ số AQI là 12, được xếp loại “Tốt”.
AQI là chỉ số phản ánh mức độ ô nhiễm không khí theo thang điểm từ 0 đến 500. Chỉ số càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe càng lớn. Dữ liệu của VN Air được tổng hợp từ các trạm quan trắc tự động liên tục do Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và các sở địa phương quản lý.
Việc cập nhật thường xuyên chỉ số AQI giúp người dân chủ động hơn trong phòng tránh ô nhiễm, đặc biệt vào thời điểm chất lượng không khí xuống thấp. Cục Môi trường khuyến cáo người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời, sử dụng khẩu trang chống bụi mịn, máy lọc không khí và đóng kín cửa khi không khí bị ô nhiễm nặng.
Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cũng cảnh báo khi AQI đạt mức rất xấu (201–300), người dân cần hạn chế tối đa hoạt động ngoài trời, đặc biệt là các hoạt động thể chất nặng. Việc sử dụng phương tiện công cộng, giảm dùng xe máy, xe đạp cũng được khuyến khích nhằm giảm tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
Đối với nhóm người nhạy cảm, như người già, trẻ em và người có bệnh lý hô hấp, cần tránh hoàn toàn các hoạt động ngoài trời trong những ngày không khí xấu. Ngoài ra, nên vệ sinh mũi họng, mắt bằng nước muối sinh lý sau khi ra ngoài để hạn chế tác động từ bụi mịn và chất ô nhiễm.
BN