Công tác đào tạo nghề luôn được Hà Nội chú trọng. Ảnh: Hùng Việt
Trong số 12.900 người được đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, nhóm nghề nông nghiệp là 6.790 người; nhóm nghề phi nông nghiệp là 6.110 người. Đối tượng đào tạo gồm người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; người chấp hành xong hình phạt tù, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa… Yêu cầu đặt ra trong công tác đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là phấn đấu góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55%.
Trong các đối tượng học nghề, thành phố ưu tiên người khuyết tật và người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan… Lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia khóa đào tạo phải làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 6 tháng liên tục trước khi tham gia khóa đào tạo. Thanh niên được hỗ trợ đào tạo nghề khi có nhu cầu đào tạo nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội…
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng phải có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình giáo trình đào tạo, tài liệu theo quy định và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm đào tạo nghề, có cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy tốt và có nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề.
Kinh phí thực hiện kế hoạch được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành, kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nguồn huy động tài trợ hợp pháp khác.
Việc triển khai thực hiện chính sách đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo quy định của nhà nước nhằm kịp thời trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động. Qua đó, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, chuyển đổi việc làm phù hợp yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại từng địa phương.
Đặc biệt, thông qua việc huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trên địa bàn thành phố trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 2025, thành phố đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của đào tạo nghề trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập và ứng dụng khoa học công nghệ 4.0. Đồng thời, khuyến khích, huy động và tạo sự đồng thuận, vào cuộc của doanh nghiệp, người lao động trong thực hiện chính sách đào tạo nghề, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Là cơ quan thường trực, Sở Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã hướng dẫn, triển khai thực hiện Kế hoạch năm 2025. Cùng với đó là chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dịch vụ đào tạo, mức hỗ trợ đối với các nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.../.
Mai Hoa