Với tinh thần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đưa văn hóa trở thành tài nguyên và động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch, chuỗi các hoạt động, sự kiện sẽ được diễn ra từ trước Tết và kéo dài xuyên suốt kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Chương trình "Tết làng Việt Nam 2025" bắt đầu từ 18/1.
Các hoạt động nổi bật mang đậm không khí Tết cổ truyền của vùng Đồng bằng Bắc Bộ bao gồm: Chương trình "Tết làng Việt năm 2025" tại Không gian đình làng Mông Phụ - Điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); đón Tết tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây) diễn ra các hoạt động chủ đề "Xuân về trên bản làng"; chương trình "Sắc Xuân Ất Tỵ 2025" tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm; chương trình "Tết Việt - Tết phố 2025" với chuỗi hoạt động đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống tại Không gian bích họa phố Phùng Hưng; trưng bày Không gian Tết truyền thống (từ ngày 20/1, tức 21tháng Chạp năm Giáp Thìn) và Giới thiệu, trình diễn tái hiện nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long…
Trong và sau tết Nguyên đán, các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn để thu hút khách du lịch như: Chương trình nghệ thuật "Rực rỡ Thăng Long 2025" tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình và khu vực Đường đua F1 (quận Nam Từ Liêm) từ 20h ngày 28/1 đến 2h00 ngày 29/1; chương trình biểu diễn Chào năm mới 2025 diễn ra vào đêm Giao thừa: Tại đền Ngọc Sơn, Sân khấu phía trước tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh (khu vực đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm); vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ); hồ Văn Quán (quận Hà Đông), Lễ hội "Khu vườn trên mây" tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng tổ chức các lễ hội lớn vào đầu năm mới như hàng năm đó là: Lễ hội Chùa Hương (khai hội và công bố khu du lịch cấp Thành phố vào ngày 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Lễ hội Gióng đền Sóc; Lễ hội truyền thống Cổ Loa, Lễ hội Gò Đống Đa, Lễ hội đền Hai Bà Trưng, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh.
Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện sôi động, hấp dẫn nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm dịp tết Ất Tỵ 2025.
Cũng trong dịp đầu năm này, Sở Du lịch Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2025 tại Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Đền, Chùa, Đình Hai Bà Trưng; Sở Du lịch cũng đồng chủ trì với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố tổ chức chương trình Du xuân hữu nghị 2025 tại huyện Mê Linh - đây sẽ là hai hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch mở màn của Ngành du lịch Thủ đô trong năm 2025.
Cùng với đó, các khách sạn trên địa bàn thành phố sẽ triển khai nhiều hoạt động thu hút và đón khách đến lưu trú trong dịp nghỉ lễ tết Nguyên đán Ất Tỵ với nhiều hình thức khác nhau như thiết kế những gói sản phẩm nghỉ dưỡng ưu đãi đặc biệt, bao gồm các chương trình, các gói dịch vụ combo, các dịch vụ bữa sáng miễn phí, dịch vụ ăn uống và các dịch vụ đi kèm như spa, hồ bơi, hoặc tham gia các lớp học trải nghiệm.
Những ưu đãi này được kỳ vọng sẽ thu hút khách lưu trú dài ngày, góp phần gia tăng công suất phòng trong giai đoạn cao điểm. Đồng thời, các hoạt động quảng bá hình ảnh cũng được đẩy mạnh thông qua việc sử dụng mạng xã hội, các kênh truyền thông và tổ chức các sự kiện cộng đồng.
Nhiều khách sạn đã đầu tư vào không gian trang trí sáng tạo với chủ đề tết Nguyên đán Ất Tỵ tạo điểm nhấn độc đáo để thu hút du khách đến tham quan và check-in. Những chương trình này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng và giải trí của du khách trong dịp lễ mà còn góp phần quảng bá thương hiệu, khẳng định chất lượng dịch vụ của các khách sạn, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của du lịch Thủ đô.
Đức Bình