Kế hoạch nhằm mục đích huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân trong việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông; gắn trách nhiệm của giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trong việc chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên toàn địa bàn Thành phố.
Kế hoạch cũng sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân, đặc biệt trong các kỳ nghỉ lễ, tết và các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện công tác đảm bảo giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội phải gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên tinh thần thượng tôn pháp luật. 5. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn Thành phố.
Kế hoạch cũng đề ra một số mục tiêu như, vận tải hành khách công cộng đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả, phấn đấu năm 2025 đạt 20%; phấn đấu tiếp tục kiềm chế giảm tai nạn giao thông từ 5% so với năm 2024 trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương); tập trung giải quyết từ 8-10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; kịp thời xử lý những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông mới, các điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông đường bộ.
Đề thực hiện được kế hoạch này, UBND TP Hà Nội nêu một số nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông - Phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp vận tải.
Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục học sinh các cấp học kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và văn hóa giao thông; quản lý chặt chẽ, kiên quyết không để học sinh, thanh thiếu niên điều khiển phương tiện khi chưa đủ quy định tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân góp phần giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan nghiên cứu rà soát, điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tiến độ (Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1668/QĐ- TTg ngày 27/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ).
Tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư các dự án để kịp thời tổng hợp giải quyết các vướng mắc, tồn tại được các chủ đầu tư báo cáo góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Công tác tổ chức giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu các nhóm giải pháp lâu dài và các nhóm giải pháp cấp bách trước mắt để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
Đối với các nhóm giải pháp lâu dài, tiếp tục kiên trì, đẩy mạnh thực hiện 8 nhóm giải pháp về lâu dài theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 2359/UBND-ĐT ngày 19/7/2024 về việc tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, Công an TP Hà Nội có trách nhiệm phối hợp, tập trung xử lý các phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là các hành vi chính dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông.
Phạm Công