Đội hình "Bình dân học vụ số" quận Tây Hồ mỗi ngày có 20 lượt đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người dân. Ảnh: Mai Ngân
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ngày 22-4 ký ban hành Kế hoạch số 05-KH/BCĐ57 của Ban Chỉ đạo Thành ủy về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số về triển khai phong trào “Bình dân học vụ số" trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia"; Kế hoạch số 01-KH/BCĐTƯ ngày 21-3-2025 về triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo Thành ủy ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch đề ra mục đích nhằm nâng cao nhận thức và thống nhất hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số; đồng thời, phổ cập kỹ năng số, khơi dậy động lực tự thân của mỗi người trong học tập, rèn luyện kỹ năng số và tham gia đầy đủ vào tiến trình chuyển đổi số của Thủ đô.
Triển khai sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số” trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 57-NQ/TƯ.
Thông qua đó, nhằm phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số; mọi người dân đều được trang bị kiến thức, kỹ năng số cần thiết để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày nhằm nắm bắt, tận dụng, khai thác, thụ hưởng những thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Triển khai toàn diện, sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số” đến tận thôn, tổ dân phố, khu dân cư, tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số, tích cực tham gia vào tiến trình chuyển đổi số.
Cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiên phong, gương mẫu thực hiện góp phần lan tỏa tinh thần tự học, tự nâng cao tri thức, kỹ năng số; chuyển quá trình học tập, rèn luyện, nâng cao và ứng dụng tri thức số trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người dân Hà Nội.
Thực hiện bài bản, khoa học, linh hoạt và sáng tạo, bám sát tình hình thực tế của Thủ đô và từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, đơn vị công nghệ nhằm kiến tạo hệ sinh thái học tập số đa dạng, phong phú.
Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và các nền tảng học tập trực tuyến, bảo đảm phương thức tiếp cận linh hoạt, phù hợp với mọi đối tượng, nhất là các nhóm yếu thế, người dân vùng xa trung tâm.
Bảo đảm an ninh dữ liệu, an toàn thông tin trong suốt quá trình triển khai thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn thành phố. Triển khai nhanh, rộng khắp, bao trùm, có tính hệ thống, gắn kết, hoàn thành sớm. Tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống, giúp người dân kết nối, tương tác và phát triển kỹ năng số để sử dụng các nền tảng, dịch vụ số, hình thành thói quen và văn hóa trong môi trường số.
Kế hoạch nhấn mạnh 5 nội dung trọng tâm của phong trào, trong đó tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số và công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Xây dựng cơ chế, chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản nhằm hỗ trợ và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” và “người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số”.
Đình Hiệp