Hà Nội trở thành đô thị thông minh: bắt đầu từ quy hoạch

Hà Nội trở thành đô thị thông minh: bắt đầu từ quy hoạch
2 ngày trướcBài gốc
Cả hai quy hoạch đều thể hiện khát vọng của toàn bộ hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô, hướng tới xây dựng một Hà Nội phát triển bền vững, là hình mẫu trong việc phát triển đô thị thông minh.
Quy hoạch thông minh cho Hà Nội phát triển bền vững
Trên thế giới, đô thị thông minh đã đem lại hiệu quả hết sức rõ rệt trong việc hướng tới phát triển đô thị bền vững. Mỗi TP, mỗi quốc gia có chiến lược riêng phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mình…
Phối cảnh Thành phố thông minh tại huyện Đông Anh, Hà Nội.
Theo TS.KTS Trương Văn Quảng - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA): Với Thủ đô Hà Nội, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.
Trên cơ sở định hướng đó, Nghị quyết 18-NQ/TU, ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: “Xây dựng nền móng hạ tầng cơ sở cho thành phố thông minh với Trung tâm giám sát và điều hành tập trung kết nối đến hạ tầng viễn thông, IoT, tiếp nhận và xử lý các luồng thông tin các lĩnh vực đời sống xã hội của thành phố, hình thành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu lớn, tích hợp, khai thác và cung cấp thông tin trực quan hỗ trợ các cấp lãnh đạo ra quyết định kịp thời, chính xác”.
Lộ trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2018 - 2020), hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh... Giai đoạn 2 (2020 - 2025), sẽ hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý, hình thành nền kinh tế số. Giai đoạn 3 (sau năm 2025) sẽ phát triển thành phố thông minh ở mức độ cao, mang đặc trưng của nền kinh tế tri thức…
Để sớm đạt mục tiêu đặt ra, theo các chuyên gia có rất nhiều việc phải làm, nhưng công tác quy hoạch phải đi đầu để sớm định hướng phát triển Thủ đô theo hướng thông minh.
Vừa qua, trong Quy hoạch Thủ đô đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 là phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đồng thời, trong Quyết định phê duyệt điều duyệt Quy hoạch chung Thủ đô cũng nêu rõ, mục tiêu đến năm 2045 là Thủ đô văn hóa, đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực… Có thể thấy, cả hai quy hoạch đều hướng tới xây dựng phát triển đô thị thông minh, hiện thực hóa những mục tiêu vươn cao, vươn xa trong tầm nhìn của 25 năm sau.
Theo các chuyên gia, Thủ đô Hà Nội hiện có rất nhiều lợi thế để phát triển đô thị thông minh. Thứ nhất, Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước nên được sự quan tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ, T.Ư. Thứ hai, Hà Nội có tiềm lực kinh tế, nhân sự, kỹ thuật... để phát triển đô thị thông minh. Thứ ba, cũng là điều mà giới chuyên gia đánh giá rất cao là Hà Nội có những lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, rất quyết tâm phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh.
Đặc biệt, để sớm đạt mục tiêu đặt ra, công tác quy hoạch đã đi đầu để sớm định hướng phát triển Thủ đô theo hướng thông minh.
Số hóa đô thị
Số hóa đô thị là nhiệm vụ quan trọng và đầu tiên trong việc quản lý và ứng dụng đô thị thông minh. Như phần mềm google map, phải số hóa bản đồ trong nhiều năm và đến nay vẫn thu thập số liệu để số hóa. Cơ sở dữ liệu này sẽ là nền tảng quan trọng cho mọi ngành kinh tế, như phát triển đô thị, giao thông thông minh, hạ tầng xã hội. như y tế, giáo dục.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) nhận định: "Hà Nội tự hào đã có những đổi thay nhanh chóng, thành phố được mở rộng, nhiều công trình mới, khu đô thị mới thông minh, hiện đại được xây dựng. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật không ngừng được xây dựng, hoàn thiện và từng bước đồng bộ và hiện đại".
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xây dựng TP Hà Nội thông minh theo các chiến lược đã định còn nhiều việc phải làm. Cụ thể, để có nhận thức thấu đáo về đô thị thông minh, tránh tâm lý phong trào, chủ nghĩa hình thức. Đô thị thông minh phải được hình thành trên 8 tiêu chí cơ bản: Quy hoạch đô thị thông minh; nền kinh tế thông minh; giao thông thông minh; năng lượng thông minh; cư dân thông minh; cộng đồng thông minh; quản trị đô thị thông minh và xã hội thông minh.
Trong đó, quy hoạch đô thị thông minh được coi là trụ cột trong phát triển đô thị thông minh. Tuy nhiên, tùy vào thực tế, nhu cầu, khả năng, nguồn lực của đô thị trong từng giai đoạn mà lựa chọn cấp đô thị thông minh theo lĩnh vực hoặc tổng thể mang tính bao trùm.
Và một điều rất quan trọng, đó là sự đồng thuận và phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền TP, người dân và DN trong xây dựng quy hoạch bởi đô thị thông minh để phục vụ người dân, DN và quản lý của chính quyền. Với người dân, trên cơ sở công nghệ có thể cải thiện cuộc sống của chính họ, giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Với DN, có thể hoạt động hoàn toàn trên nền tảng công nghệ để cải thiện nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu chi phí. Với chính quyền, thông qua một nền tảng đô thị thông minh, một hệ cơ sở dữ liệu lớn, một nền công nghệ hiện đại, chính quyền tham gia mạnh mẽ hơn nữa trong việc hỗ trợ người dân, DN và đóng góp cho sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội nói riêng, quốc gia nói chung.
Lại Tấn
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/ha-noi-tro-thanh-do-thi-thong-minh-bat-dau-tu-quy-hoach.html