Kế hoạch được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn sau quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời hướng đến phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động Thủ đô.
Theo đó, mục tiêu trong 6 tháng cuối năm là giải quyết việc làm mới cho 59.768 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 3% và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% trong năm 2025.
Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp khi đầu tư, thành lập mới tại các địa phương ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ, đặc biệt là lực lượng lao động nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính. Việc này không chỉ giúp tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực có sẵn mà còn đảm bảo an sinh xã hội và ổn định nguồn lao động tại địa phương.
Song song đó, Hà Nội sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng và người hoạt động không chuyên trách bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
Thành phố tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu mở, cập nhật thường xuyên về việc làm, nhu cầu lao động và đào tạo nghề tại từng xã, phường, thị trấn, giúp kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và người lao động, hạn chế tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa lao động cục bộ.
Ngoài ra, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm sẽ được tăng cường, thông qua các phiên giao dịch việc làm hàng ngày tại hệ thống Sàn Giao dịch Việc làm Hà Nội, kết nối với các tỉnh, thành khác trên cả nước, bao gồm cả hình thức trực tuyến và chuyên đề.
Thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt thông qua cơ chế “luồng xanh”, “làn xanh” để đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp. Việc phân cấp, phân quyền triệt để cũng sẽ được triển khai để giảm thiểu các bước trung gian, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi.
Hà Nội chuyển đổi tư duy quản lý từ “quản lý doanh nghiệp” sang “hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp”, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Một nội dung trọng tâm khác là nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách thành phố và ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Thành phố sẽ linh hoạt huy động nguồn lực để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người lao động.
Cam kết của Hà Nội là đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận tín dụng ưu đãi, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Song song với giải pháp trong nước, thành phố sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động đi kèm với việc siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động khi làm việc tại nước ngoài.
Văn Sơn