Tại hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 với chủ đề "Đô thị thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững" ngày 2.12, chia sẻ về quá trình triển khai thành phố thông minh của Thủ đô, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết TP đang trong quá trình xây dựng chi tiết các nhiệm vụ cụ thể phải triển khai thông qua đề án "Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Triển lãm sáng tạo trong khuôn khổ hội nghị với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiên tiến phục vụ xây dựng thành phố thông minh
Theo đó, quan điểm của đề án bao gồm: Kết hợp tư duy toàn cầu, giải pháp địa phương, hành động Hà Nội; thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động; phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách phát triển thành phố thông minh; đổi mới phương pháp quy hoạch đô thị thông minh; ưu tiên hạ tầng thông tin thông minh; xây dựng hạ tầng dữ liệu tích hợp, chia sẻ, dùng chung, hạ tầng kết nối đồng bộ; hội nhập quốc tế, học tập kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh.
Hà Nội sẽ có mục tiêu và tầm nhìn rõ ràng về việc phát triển Thủ đô hài hòa, theo hướng "Văn hiến - Văn minh - Xanh - Thông minh - Hiện đại" vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Hà Nội mau chóng hoàn thiện các cơ chế chính sách, kết hợp quy hoạch, quy chế và quy chuẩn trong xây dựng thành phố thông minh bền vững; xây dựng nền tảng chính quyền số minh bạch, hiệu quả và nền tảng hạ tầng thông tin đô thị thông minh. Đi cùng với đó là tăng cường đào tạo và tuyển dụng đủ nhân lực cần thiết, chất lượng cao.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Hùng, quá trình xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội sẽ ưu tiên các vấn đề như giao thông đô thị, bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa, du lịch và bảo vệ môi trường nước, không khí. Để giải quyết được các ưu tiên này, đề án "Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" sẽ đề ra các giải pháp trọng tâm cho từng ngành, từng lĩnh vực.
Nói về chiến lược dữ liệu TP đến năm 2030, Giám đốc Nguyễn Việt Hùng khẳng định dữ liệu sẽ mở ra không gian phát triển mới cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đồng thời trở thành nguồn lực cốt lõi để thúc đẩy Hà Nội phát triển thành đô thị thông minh, hiện đại, vững bước vào kỷ nguyên mới. Dữ liệu là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của TP. Không chỉ vậy, dữ liệu còn là nền tảng đảm bảo mục tiêu xây dựng Hà Nội thành một thành phố thông minh, tiên tiến, thành phố kết nối toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường quản lý và thúc đẩy sự thịnh vượng cho Thủ đô trong dài hạn.
Do đó, Hà Nội đã có những quan điểm rất rõ ràng và cụ thể về dữ liệu như: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng nền hành chính chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp thông qua dữ liệu; bảo mật và quyền riêng tư là ưu tiên hàng đầu; đảm bảo tính liên thông và tương thích giữa các hệ thống dữ liệu; minh bạch và trách nhiệm giải trình; thống nhất, đồng bộ từ quy hoạch chung, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến áp dụng các quy hoạch, quy chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về dữ liệu.
"Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiện đại, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu quản lý đô thị thông minh, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo hướng bền vững. Thành phố hướng đến việc tối ưu hóa quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu, tăng cường hiệu quả của dịch vụ công và nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho Hà Nội trở thành một thành phố tiên phong về chuyển đổi số và phát triển bền vững trong nước và khu vực", ông Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.
Được biết, từ nay đến 2030, với dữ liệu, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển: Hạ tầng dữ liệu không gian đô thị thông minh; triển khai đề án xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) hợp nhất về quản lý quy hoạch - kiến trúc - phát triển đô thị trên địa bàn TP; cơ sở dữ liệu định danh - dữ liệu chủ các ngành lĩnh vực; hồ sơ dữ liệu thành phố Hà Nội; phát triển CSDL và mở dữ liệu; triển khai dữ liệu giao thông và hệ thống phân tích giao thông thông minh; hệ thống phân tích dữ liệu để dự báo biến đổi dân số và lao động; kho dữ liệu và nền tảng phân tích an ninh, trật tự; phát triển CSDL về hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hệ thống giám sát và cảnh báo thiên tai, phòng chống dịch bệnh.
Tuyết Nhung