Liên quan đến 712 dự án chậm trên địa bàn, Sở Tài nguyên và môi trường TP. Hà Nội cho biết, tính đến 30/10/2024 đã rà soát 706 trường hợp. Trong đó, 286 dự án tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng.
Đối với 6 trường hợp còn lại (tổng diện tích khoảng 82ha, đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được giao/cho thuê đất), Sở Kế hoạch và đầu tư đang tiếp tục kiểm tra để đề xuất phương án xử lý.
Để giải quyết dứt điểm các dự án chậm triển khai trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Trung ương ba phương án.
Thứ nhất, cho phép kéo dài thời hạn 24 tháng (lần 2) đối với các trường hợp chủ đầu tư được UBND TP. Hà Nội đánh giá đủ năng lực và đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương phải nộp nghĩa vụ tài chính cho thời gian kéo dài theo quy định.
Thứ hai, nếu không đảm bảo năng lực, với trường hợp đã có tài sản, kiến nghị cho phép xử lý tài sản gắn liền với đất, tương tự quy định tại Nghị định 102/2024 của Chính phủ về xử lý tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thu hồi đất do chấm dứt dự án đầu tư.
Cuối cùng, về các dự án đã được quyết định chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư nhưng chưa được giao/cho thuê đất, nhà đầu tư đã ứng tiền để hoàn thành giải phóng mặt bằng, việc chậm tiến độ không phải lỗi do nhà đầu tư, Hà Nội đề xuất cho phép giao/cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Tròn 2 năm trước, Hà Nội cũng khẳng định quyết tâm xử lý dứt điểm hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai. Khi đó, Hà Nội cho biết đã chấm dứt 59 dự án, xem xét thu hồi/bãi bỏ quyết định giao đất đối với 44 dự án với tổng diện tích hơn 2.600ha.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội đã gia hạn sử dụng đất 24 tháng với 85 dự án với tổng diện tích 132ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng. Đồng thời, 152 dự án với tổng diện tích hơn 3.476ha đất được đề xuất biện pháp xử lý tương ứng theo từng kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm.
Liên quan tới quản lý đất đai, bên cạnh kết quả ấn tượng về đấu giá quyền sử dụng đất trong năm qua tăng gấp đôi so với các năm trước (trung bình khoảng gần 10.000 tỷ đồng/năm), Hà Nội còn ghi nhận một số vấn đề đáng chú ý.
Điển hình là tình trạng bảng giá đất – căn cứ để xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất – thấp hơn giá thị trường, dẫn tới không có khả năng bù đắp được chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng tạo quỹ đất.
Trước tình trạng này, Hà Nội cho biết, UBND cấp quận, huyện, thị xã đã quy định bước giá, đấu giá nhiều vòng để đảm bảo giá khởi điểm của vòng tiếp theo sau các vòng bắt buộc sát với giá thị trường.
Tuy nhiên, do Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản chưa điều tiết các nội dung như: tiền đặt cọc thấp – bằng 20% giá khởi điểm, không có quy định cấm thông đồng “thổi” giá… nên xuất hiện tình trạng trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá nhưng bỏ tiền đặt cọc hoặc trả giá cao “bất thường” và bỏ cuộc chơi, gây nhiễu loạn giá thị trường.
Một vấn đề khác, việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở không có quy định phải hoàn thành xây dựng nhà ở trong thời gian nhất định, dẫn đến tình trạng không đưa đất vào sử dụng, bỏ đất hoang, gây khó khăn trong quản lý quy hoạch, lãng phí nguồn lực.
Thái Bình