Ngày 23/4, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản về việc tiếp tục khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép.
Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo kiên quyết xử lý các công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy và các công trình xây dựng không phép, trái phép với nhiều giải pháp, biện pháp xử lý đồng bộ.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng để sót lọt công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đưa vào hoạt động. Bên cạnh đó, kết quả tiến độ khắc phục các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy còn chậm, không đạt được mục tiêu Kế hoạch đề ra,việc xử lý các công trình xây dựng trên đất không hợp pháp chưa được triệt để, quyết liệt.
Ảnh minh họa
Để xử lý nghiêm các công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy và các công trình xây dựng không phép, trái phép, UBND thành phố Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động trên địa bàn, tuyệt đối không để tình trạng công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động mà chưa thực hiện các biện pháp xử lý (xử phạt, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện...).
Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở nghiêm túc khẩn trương khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, chấm dứt tình trạng đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa được cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy xong trước ngày 15/6.
Các địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng (xây dựng, quản lý đô thị, điện lực, UBND cấp xã …) cần quyết liệt hơn nữa trong công tác nắm tình hình, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất); chấn chỉnh hoạt động quản lý xây dựng, nhất là việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, chấp hành pháp luật xây dựng; tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố.
Đặc biệt, địa phương cần tiến hành kiểm tra, lập biên bản, thực hiện các biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo quy định đối với các công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy và các công trình xây dựng không phép, trái phép thuộc trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo Nghị quyết của HĐND thành phố.
Trần Hoàng