Đất "vàng" bỏ hoang phế
Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà trẻ và căn hộ, địa chỉ số 254 Hoàng Quốc Việt (Bắc Từ Liêm, HN) là một trong số đó.
Theo tìm hiểu của PV Báo Xây dựng, khu đất có diện tích 13.452m2. Năm 2009, thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (sau đổi tên là Công ty Cổ phần Familia) với mục tiêu xây dựng Trung tâm xúc tiến đầu tư và khu văn phòng cho thuê. Công trình cao 27 tầng, tổng mức đầu tư 499 tỷ đồng, tiến độ thực hiện quý II/2013-IV/2016.
Dự án Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội đã hoàn thành nhiều hạng mục hạ tầng nhưng chưa đưa đất vào sử dụng. Ảnh: Khánh An.
Năm 2015, UBND thành phố Hà Nội có văn bản đồng ý với chủ trương đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho phép điều chỉnh chức năng là công trình hỗn hợp văn phòng, thương mại, nhà ở. Nhưng đến nay, sau 16 năm cấp chứng nhận đầu tư, dự án chưa được xây dựng, đất đai quây tôn bỏ hoang.
Trước đó, Hà Nội cho biết, trên địa bàn có 712 dự án chậm triển khai với tổng quy mô khoảng trên 11.300 ha đất. Đến giữa năm 2024, cơ quan quản lý đã thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch với 153 dự án.
Khu đất 94 Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Khu đất này vốn là Nhà máy rượu Hà Nội do Công ty Cổ phần Cồn rượu Hà Nội quản lý.
Theo chủ trương di dời nhà máy ra khỏi nội đô, từ năm 2013, UBND TP Hà Nội đã giải phóng mặt bằng, chủ trương xây dựng trường học tại ô đất này. Sau khi thu hồi, ô đất được giao cho Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Thiên Bình (Công ty Thiên Bình) nghiên cứu lập dự án. Thiên Bình dự kiến xây Tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại công trình cao tầng. Nhưng đến nay, lô đất "vàng" vẫn đang bỏ trống, cỏ dại mọc um tùm.
Tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai cũng diễn ra tại Dự án Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội do Công ty cổ phần Hanel làm chủ đầu tư. Dự án này được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2010, đã xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường, hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh. Nhưng đất đai chưa đưa vào sử dụng, bỏ hoang. Theo đại diện UBND quận Long Biên, dự án này đang vướng giải phóng mặt bằng.
Đưa quản lý đất đai vào kế hoạch phòng chống lãng phí
Theo báo cáo của TP Hà Nội, trên địa bàn có 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ và ban hành kế hoạch để xử lý, giải quyết. Trong số 712 dự án chậm tiến độ, 420 dự án với tổng diện tích khoảng 9.095 ha đất được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát theo quy định của pháp luật; 292 dự án với tổng diện tích khoảng 2.337 ha đất đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng.
Hà Nội cũng đã đưa công tác quản lý đất đai vào kế hoạch phòng, chống lãng phí của năm 2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, Hà Nội tập trung vào 712 dự án và 117 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai do UBND cấp huyện đề xuất kiến nghị xử lý, thực hiện trong Quý II, III. Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, thực hiện trong năm 2025...
Bên cạnh tập trung xử lý tồn tại các dự án đầu tư ngoài ngân sách, Hà Nội cũng tăng cường xử lý nhà, đất công bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả. Hà Nội giao giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố quyết định thu hồi để xử lý đất và tài sản gắn liền với đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 24/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tính đến tháng 12/2024, số cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý là 205.862 cơ sở. Hiện vẫn còn hơn 62.700 cơ sở nhà, đất chưa có phương án sắp xếp do quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc. Bộ trưởng Thắng nhìn nhận tiến độ sắp xếp còn chậm, kéo dài.
Nguyễn Hùng