Nhiều năm trước đây, gia đình ông Hoàng Văn Bé, xóm Hòa Mục, xã Trường Hà chủ yếu trồng ngô, lúa nhưng năng suất thấp nên không có thu nhập. Những năm gần đây, được xã cho đi học tập các mô hình kinh tế, tập huấn khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho vay vốn, ông Bé chuyển sang chăn nuôi. Ông Bé tâm sự: Qua nghiên cứu thị trường ở địa phương và các huyện, xã lân cận tôi thấy bà con phát triển chăn nuôi nhiều nhưng toàn mua con giống của Trung Quốc hoặc từ miền xuôi lên. Vì vậy, tôi đầu tư chuồng trại chăn nuôi gà, vịt đẻ hơn 4.000 m2, mua máy ấp trứng với công suất 25.000 quả mỗi lần ấp. Sau nhiều lần thực hiện ấp trứng gà, vịt thất bại tôi rút kinh nghiệm dần và thành công khi mỗi mẻ ấp đều đạt trên 90%. Giống gà, vịt sản xuất ra đều đạt chất lượng nên được bà con tin tưởng và tiêu thụ nhiều, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình mỗi năm 200 - 300 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Lương Can Triệu Văn Cường cho biết: Để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND xã chỉ đạo ngành, đoàn thể căn cứ vào điều kiện tự nhiên để tuyên truyền, định hướng người dân phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp. Hằng năm, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Qua đó, người dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch và phát triển rõ rệt, đời sống nhân dân được nâng lên, các mô hình phát triển kinh tế - xã hội được phát triển theo hướng hàng hóa, như: cây thuốc lá năm 2019 diện tích 45,8 ha, năng suất đạt 21,4 tạ/ha, đến năm 2024 tăng lên 62 ha, năng suất đạt 26,8 tạ/ha; thực hiện và duy trì mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản 91 con, mô hình bò cái sinh sản 64 con, mô hình chăn nuôi trâu sinh sản 30 con, mô hình hình bưởi da xanh 6 ha; mô trình trồng lúa 30 ha… Trên địa bàn xã thành lập 2 hợp tác xã về nông nghiệp và xây dựng hoạt động từng bước phát triển có hiệu quả. Năm 2019, xã có 59 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, năm 2023 có 68 hộ; nhiều nhóm hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã bình quân giảm trên 6%/năm.
Thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Huyện triển khai hiệu quả các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, như: Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2025, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, Đề án phát triển gừng hưu cơ theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; Đề án phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế rừng, kế hoạch tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới...
Ông Hoàng Văn Bé, xóm Hòa Mục, xã Trường Hà (Hà Quảng) phát triển kinh tế gia đình từ mô hình nuôi gà, vịt đẻ, ấp trứng.
Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tạo nên chuỗi liên kết phát triển kinh tế huyện triển khai ký kết hợp tác, hợp đồng Công ty TNHH một thành viên Nông lâm nghiệp Hòa An, Công ty Tư vấn phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường (DACE), Công ty TNHH một thành viên Viện Thuốc lá, Công ty TNHH sản xuất thương mại và Dịch vụ Trần Minh, Hợp tác xã Giang Lam... liên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm trồng lúa Nhật, lúa Đoàn kết theo hướng sản xuất hàng hóa với diện tích hằng năm trên 180 ha; duy trì và mở rộng các vùng sản xuất cây thuốc lá tập trung, hằng năm người dân thu nhập từ trồng thuốc lá khoảng 180 - 200 tỷ đồng/vụ; duy trì và mở rộng vùng sản xuất lạc L14 trên 800 ha/năm; chuyển đổi hơn 10,5 ha đất trồng lúa, ngô sang trồng trồng ớt tại xã Nội Thôn và Thanh Long, đến nay diện tích trồng ớt tăng hơn 50 ha; triển khai liên kết trồng hơn 170 ha gừng trâu hữu cơ tại xã Nội Thôn, Thượng thôn, Cải Viên… Đã và đang khai thác hơn 5.500 m2 nhà màng, nhà lưới và hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho sản xuất các loại dưa lê, dưa lưới tại các xã Ngọc Đào, Đa Thông Trường Hà. Các mô hình trên từng bước đem lại hiệu quả, các sản phẩm có đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho người dân, lợi nhuận đạt từ 100 - 230 triệu đồng/ha/năm.
Đối với chăn nuôi, huyện khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ chăn nuôi tiên tiến (chăn nuôi chuồng kín), đệm lót sinh học..., chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm, điển hình như hộ Trương Văn Công, xã Cần Yên chăn nuôi lợn trong chuồng kín điều hòa với quy mô hơn 300 con lợn thịt, 45 con lợn nái...; hộ Đinh Văn Đông, Nguyễn Công Hoan, thị trấn Thông Nông chăn nuôi bò kết hợp trồng cỏ tại chỗ với quy mô 80 - 100 con bò/năm; hộ Hoàng Thị Thắm, thị trấn Xuân Hòa, nuôi duy trì 21 con lợn nái sinh sản, 30 con bò... Qua đó, góp phần nâng tổng đàn gia súc (trâu, bò, lợn) trên địa bàn huyện đến nay tăng so với năm 2020 là 124%, đàn gia cầm tăng 128,8% so với năm 2020.
Huyện dần hình thành phong trào chăn nuôi thủy sản. Tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện theo phương thức thâm canh và bán thâm canh trên 34,46 ha, sản lượng đạt trên 54,77 tấn/năm; chủ yếu là nuôi cá ao, cá lồng, cá ruộng, trong đó nuôi cá tầm trên 0,15 ha chủ yếu tập trung ở xã Trường Hà và Ngọc Đào, điển hình như hộ Ngụy Văn Công, nuôi cá tầm trên 6.000 con/năm, thu nhập trên 1,5 tỷ đồng/năm.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng Linh Thanh Tuyền cho biết: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Minh Hòa