Hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử trong triển khai các dự án hạ tầng chiến lược
Theo số liệu thống kê năm 2023 của PwC Việt Nam, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng và đang chi khoảng 5,7% GDP cho lĩnh vực này. Đất nước đang trong thời kì chuyển đổi hướng đến một nền kinh tế thu nhập cao và phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu đó.
Báo cáo trước Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Một trong những đột phá rõ nét nhất của năm 2024 là phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực. Nhiều công trình giao thông quan trọng, dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa liên kết vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa được đưa vào khai thác.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam mở ra tương lai phát triển mới. Nguồn: Báo Giao Thông
Từ đầu năm 2024 đến nay đã đưa vào khai thác thêm 109 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến nay lên hơn 2.021 km, khởi công tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; khởi công 2 dự án nâng cấp tuyến để khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc; khởi công 2 dự án nối thông đường Hồ Chí Minh; triển khai đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”...
Từ nay đến cuối năm 2024, đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để phấn đấu khởi công 5 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 11 nghìn tỷ đồng: Dự án cầu đường sắt Cẩm Lý Km24+134 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long; Dự án Chợ Mới - Bắc Kạn; Dự án đầu tư tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; Dự án nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên quốc lộ 1 với việc mở rộng 3 cầu (Xương Giang; cầu Gianh, cầu Quán Hàu) và hầm Đèo Ngang; Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn.
Về hàng không, đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công rút ngắn thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất...
Nhiều dự án, công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm quan trọng đã được thực hiện nghiêm túc, sát với kế hoạch như dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 & 4 (đạt 40,09%), chuỗi dự án điện - khí lô B (đạt khoảng 42%)...
Đặc biệt, dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối với quy mô gần 1 tỷ USD được khánh thành sau hơn 6 tháng thần tốc thi công trong khi dự án với quy mô tương tự thường mất từ 2-3 năm. “Dự án này đã trở thành hình mẫu điển hình, tạo động lực, truyền cảm hứng trong triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia với cách làm mới, tư duy mới, điều hành mới, huy động sức mạnh tổng lực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành địa phương thực hiện nghi thức khởi công dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Ảnh: Văn Thanh
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, tập trung trí tuệ, thời gian, công sức xây dựng dự án tiếp tục trình cấp có thẩm quyền, đặc biệt nghiên cứu, đề xuất, làm rõ vấn đề huy động nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác cũng như bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai dự án theo lộ trình.
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình trong triển khai các dự án hạ tầng chiến lược thời gian qua.
Hoàn thiện thể chế để bảo đảm thông thoáng, thuận lợi
Tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Việc triển khai các dự án hạ tầng chiến lược đã và đang được làm tốt, sắp tới phải cùng nhau làm tốt hơn”.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương và đi đến tận chân các công trình, dự án trọng điểm để kiểm tra. Đồng thời, làm việc với các cơ quan liên quan ngay tại công trường dự án để lắng nghe các ý kiến, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các cơ quan đơn vị nỗ lực triển khai các dự án để về đích sớm hơn so với tiến độ.
Các dự án cao tốc mở ra không gian phát triển mới. Nguồn ảnh: Báo NLĐ
Có thể nói, nếu như cách đây 5 - 6 năm, gần như không có dự án hạ tầng lớn nào được khởi công do nhiều vướng mắc về cơ chế, thủ tục và cả tâm lý sợ sai, né trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức thì chỉ trong một hai năm vừa qua, nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính, để phát triển cả nước phải như đại công trường. Và thực tế, năm qua cả nước đang như đại công trường, nhiều dự án lớn, tuyến đường, hạ tầng thi công cùng lúc: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông, nhà ga T3 – sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành, dự án đường dây 500kv mạch 3…
Nhấn mạnh các công trình tầm cỡ, những công trình thế kỷ đánh dấu sự phát triển vươn mình của đất nước, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế liên quan giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, quy chuẩn, quy trình, đấu thầu, chỉ định thầu… trong triển khai dự án, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải thực hiện tốt yêu cầu của Hội nghị Trung ương 10 vừa qua về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường giám sát, kiểm tra và cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Đáng chú ý, trong phát triển hạ tầng giao thông, sau 14 phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã ban hành 14 kết luận; trên 400 công điện đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án. Qua đó, có các vướng mắc kéo dài như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vốn cho các dự án đường sắt đô thị, cao tốc Bến Lức - Long Thành, nguồn vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng; ban hành Quy chuẩn đường bộ cao tốc; thí điểm vật liệu cát biển; chuyển đổi đất lúa, đất rừng; tiến độ triển khai và chất lượng các dự án bảo đảm yêu cầu…
Nhà thầu khoét núi làm cao tốc.
Từ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ dần được cởi bỏ, từ đó quyết tâm dành trí lực cho công việc, cho phát triển hạ tầng – phát triển đất nước.
Nhiều địa phương đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển hạ tầng và đạt được những kết quả nổi bật. Điển hình như tại tỉnh Cao Bằng, tỉnh đã phát động “Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư PPP, giai đoạn 1” và đạt thắng lợi hoàn toàn. Theo đó, chiến dịch hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án cao tốc, với mục tiêu thu hồi trên 41 km với diện tích hơn 260 ha, giải quyết tốt chế độ chính sách cho 1.131 hộ gia đình bị ảnh hưởng, phải thu hồi.
Trong bối cảnh khó khăn, nhưng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông vẫn luôn được ưu tiên. Nhờ đó, hàng loạt tuyến cao tốc, nhà ga hàng không, những cây cầu lớn, cảng biển được khánh thành và đưa vào khai thác. Đánh giá về thành tựu của phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, với sự quan tâm, định hướng cụ thể của Đảng, 15 năm qua, cơ sở hạ tầng đã lột xác mạnh mẽ. Dấu ấn phải kể đến là sự đột phá hạ tầng giao thông sau Đại hội XIII.
“Trong 3 năm gần đây, chúng ta đã có hơn 800km cao tốc góp phần rút ngắn thời gian lưu thông, thu hút đầu tư nước ngoài, kết nối các vùng trung tâm đô thị, phát triển kinh tế”, ông Chủng nói.
Khẳng định hạ tầng giao thông là “bệ đỡ” để kinh tế “cất cánh”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa khẳng định, từ chủ trương đúng đắn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Đảng. Nhờ đó, đất nước đã có được một hệ thống hạ tầng phát triển như ngày hôm nay.
“Trong gần 3 nhiệm kỳ qua, chúng ta làm được hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi trước năm 2011 chỉ có vỏn vẹn gần 100km. Chỉ riêng con số này cũng đã cho thấy kết quả đáng khích lệ thế nào. Chính sự phát triển về hạ tầng giao thông đã dẫn tới những phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội”, ông Hòa nói và cho rằng, với sự phát triển nhanh của hệ thống đường cao tốc, nâng cấp đường sắt và hàng không, hàng hải, chi phí logistics trong nước ngày một giảm xuống.
Quyết liệt triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam
Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội (tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), suất đầu tư dự án khoảng 43,7 triệu USD/km. Đây có thể nói là dự án được nhân dân cả nước kỳ vọng sẽ một bước đột phá lớn không chỉ với hạ tầng giao thông, mở ra không gian phát triển mới, mà còn là bước tiến quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam sánh vai với các nước phát triển trên thế giới.
Từ đầu năm 2024 đến nay đã đưa vào khai thác thêm 109 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến nay lên hơn 2.021 km.
Theo phương án được đề xuất, dự án đường sắt tốc độc cao trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km. Điểm đầu tại TP. Hà Nội (ga Ngọc Hồi). Điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm).
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Trên toàn tuyến được đề xuất bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho biết, vận tải đường sắt tốc độ cao, khi hình thành, sẽ đóng vai trò quan trọng, đồng bộ kết nối 5 phương thức chính: Đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, theo trục Bắc - Nam. Điều này không chỉ tận dụng thế mạnh từng phương thức mà còn tối ưu hóa hệ thống vận chuyển, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Khi phương thức vận tải hàng hóa linh hoạt nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Còn theo ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV, thành viên Tổ chuyên gia của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao cho biết, dự kiến thời điểm triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao vào năm 2027, quy mô nền kinh tế sẽ lên đến khoảng 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phúc, Trung ương và Chính phủ cũng quyết định đầu tư công, chúng ta không sợ rơi vào “bẫy nợ”. Chính phủ có thể huy động vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn địa phương, nguồn vốn khác của Nhà nước.
“Chúng ta phải xác định đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao quan trọng nhất là tác động lan tỏa đối với sự phát triển KT - XH, tác động không chỉ là 20 địa phương có tuyến chạy qua mà còn là các địa phương khác khi giao thông kết nối phát triển.
Ví dụ như tỉnh Hà Tĩnh có Khu kinh tế Vũng Áng dù là trọng điểm. Song hiện nay, để một chuyên gia/nhà đầu tư đến rất khó khăn. Họ phải bay đến Vinh hoặc Quảng Bình rồi mới có thể đi ô tô đến. Nhưng khi có đường sắt tốc độ cao Khu kinh tế Vũng Áng sẽ thực sự là khu kinh tế trọng điểm quốc gia”, ông Phúc chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Những hầm đường bộ cao tốc xuyên núi trên dự án cao tốc Bắc - Nam.
Để sớm có thể hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và hoàn thành dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt kết nối khác có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương về xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Vấn đề đặt ra là việc quyết liệt triển khai thế nào để sớm hiện thực hóa chủ trương này trên thực tế, đưa những chủ trương, quyết sách lớn này vào cuộc sống.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, tập trung trí tuệ, thời gian, công sức xây dựng dự án tiếp tục trình cấp có thẩm quyền, đặc biệt nghiên cứu, đề xuất, làm rõ vấn đề huy động nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác cũng như bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai dự án theo lộ trình.
Có thể thấy, với quyết tâm chính trị cao của các cấp, các ngành và ý chí tự lực tự cường, sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân, tuyến đường sắt tốc độ cao trải dọc Bắc - Nam sẽ sớm thành hiện thực trong tương lai gần vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân thêm ấm no, hạnh phúc.
Quốc Trần