Áp dụng chính sách về đầu tư hạ tầng
Tại phiên thảo luận phát triển Đà Nẵng thành trung tâm vùng về logistics nằm trong Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics Thành phố Đà Nẵng do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức, bà Đào Thanh Hương, Phó vụ trưởng, Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đối với dịch vụ logistics thì hạ tầng đóng một vai trò quan trọng để kết nối sản xuất, thương mại.
Theo bà Đào Thanh Hương, cần rà soát, liệt kê các chính sách hiện hành có thể áp dụng đối với Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
“Giới hạn về ranh giới, về các cơ chế chính sách cụ thể là gì. Đó là cơ sở để các nhà đầu tư quan tâm đầu tư đến Đà Nẵng, có cơ sở, chứng cứ để thực hiện”, bà Hương khẳng định.
Từ đây có 2 câu chuyện liên quan đến thu hút đầu tư tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Đầu tiên là cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong khu thương mại tự do. Trong khu sẽ có những chính sách nào vượt trội, chính sách nào chưa từng có trong tiền lệ để đưa vào đề án.
Tiếp đến là chính sách thu hút đầu tư đối với hạ tầng giao thông ngoài khu thương mại tự do mà đối với logistics chính là hạ tầng sân bay, đường sá, bến cảng. Câu chuyện hạ tầng vẫn tiếp tục đầu tư nhưng trong điều kiện ngân sách nhà nước còn có giới hạn thì câu chuyện hợp tác công tư được đặt lên ưu tiên. Theo bà Hương, hợp tác công tư trong lĩnh vực giao thông là lĩnh vực ưu tiên.
“Đối với ngoài khu, dù muốn hay không vẫn phải áp dụng chính sách hiện tại mà thôi. Đối với cơ chế, chính sách thì quy trình thu hút đầu tư, quy trình dự toán ngân sách thì TP. Đà Nẵng sẽ ưu tiên hạ tầng ngoài khu để kết nối. Các vị trí của Đà Nẵng liên quan khu thương mại tự do sẽ liên kết lại với nhau”, bà Hương cho hay.
Và yêu cầu đặt ra là thứ tự ưu tiên đầu tư hạ tầng nào; hạ tầng kết nối giữa các khu thể hiện qua việc ưu tiên bố trí ngân sách, danh mục thu hút hợp tác công tư…
“Chúng ta phải phân định rõ ràng, câu chuyện không nói chung chung về đầu tư nói chung mà sẽ nói về đầu tư ngoài khu thế nào, trong khu ra làm sao, các cơ chế chính sách ưu đãi cao nhất ngoài khu. Câu chuyện đầu tư ngoài khu phải rà soát tất cả cơ chế chính sách hiện hành, liệt kê ra được để áp dụng đối với TP. Đà Nẵng. Còn đối với chính sách trong khu, các chính sách ưu đãi vượt trội mà một khu thương mại tự do cần có để có thể tạo nguồn động lực phát triển TP. Đà Nẵng thì chúng ta cũng mạnh dạn liệt kê trong nội dung đề án trình lên”, bà Hương đề cập.
Trong khi đó, ông Võ Văn Khanh, Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên thì đề xuất thành lập Hub thương mại xuyên biên giới trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng để dễ dàng kêu gọi nhà đầu tư.
Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên đề xuất thành lập Hub thương mại xuyên biên giới trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Ông Khanh dẫn số liệu trên Amazon hiện có hơn 10 triệu sản phẩm của Việt Nam đang được bán cho thấy tầm quan trọng của thương mại điện tử. Theo ông Khanh, nên có 1 Hub thương mại điện tử xuyên biên giới đặt ngay tại TP. Đà Nẵng và ngay trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng để tận dụng được lợi thế về chính sách, ưu đãi, thuế và đây cũng là một động lực để thúc đẩy logistics.
Đề cao vai trò của cơ quan quản lý
Đứng trên góc độ nhà khai thác cảng, ông Lê Quảng Đức, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng biển Đà Nẵng cho rằng, giữa cảng biển và Khu thương mại tự do Đà Nẵng có sự gắn bó hữu cơ và sự phát triển đi liền với nhau.
Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng biển Đà Nẵng đề xuất Cảng Liên Chiểu nằm trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Đối với Cảng Liên Chiểu trong tương lai, ông Đức đánh giá cần đảm bảo thủ tục thực sự tốt. Và đối với khu thương mại tự do, đại diện Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng cho rằng điều này cần sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa; đặc biệt trong hoạt động hải quan, thời gian thông quan hải quan phải nhanh nhất, tốt hơn nữa không thể xảy ra tình trạng nghẽn số liệu, dừng vận hành thông quan.
“Chúng ta phải xác định lợi thế so sánh của Đà Nẵng, Khu thương mại tự do của Đà Nẵng với các khu thương mại tự do lân cận, trên thế giới; từ đó phải phấn đấu, phải có lợi thế cạnh tranh hơn người ta thì các nhà đầu tư mới vào đây được”, ông Đức nói.
Ông Đức cũng đề cập cao vai trò của hạ tầng giao thông. Bởi khu thương mại tự do giải quyết 1 phần về hàng hóa, về lâu dài Cảng Liên Chiểu để phát triển tốt thì giao thông kết nối khu vực phải thực sự tốt. Khi Cảng Liên Chiểu phát triển tốt sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Do đó, ông Đức gợi ý nên đưa Cảng biển Liên Chiểu vào Khu thương mại tự do Đà Nẵng bởi có sự gắn bó hữu cơ. Cảng biển Liên Chiểu được định hướng có vai trò trung chuyển quốc tế nhưng trong thời gian trước mắt, Cảng Liên Chiểu sẽ không giải quyết được công việc cửa ngõ giao thương quốc tế. “Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước nên đưa Cảng Liên Chiểu vào để hưởng ưu đãi ban đầu, tạo lợi thế cạnh tranh, tạo cú hích cho sự phát triển”, ông Đức gợi ý.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp khai thác cảng tại Đặc khu kinh tế Savannakhet (SEZ) ở Lào, ông Trần Quang Huy, Giám đốc Vận hành DP Word, Công ty Savan Logistics đánh giá, để phát triển dịch vụ logistics và vận tải xuyên biên giới cần có các yếu tố.
Thứ nhất, với cơ quan nhà nước, đại diện Savan Logistics đề xuất hỗ trợ cơ sở hạ tầng “vì để phát triển logistics cho dù nội địa hay xuyên biên giới thì hạ tầng là yếu tố quan trọng nhất, có hạ tầng thì mới phát triển được”.
Đại diện Savan Logistics phát biểu tại phiên thảo luận.
Thứ hai là hỗ trợ về chính sách thuận lợi phát triển logicstic và vận chuyển xuyên biên giới; hỗ trợ về mặt thủ tục giấy tờ để việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được thuận lợi như thay vì một số nơi còn khai báo bằng giấy thì nên chuyển qua khai báo qua online để nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.
Ông Huy cũng chia sẻ câu chuyện doanh nghiệp khi tận dụng lợi thế về vị trí chiến lược để kết nối với các nước xung quanh như Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc… Từ đó, doanh nghiệp mới phát triển năng lực về mặt kho bãi, nhân lực, dịch vụ hỗ trợ về thủ tục hải quan…
Sơn Thuận