Các doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu, trao đổi về khả năng kết nối tour tuyến tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế trong năm 2024
Du lịch không chỉ là tham quan
Màn đêm buông xuống, nhiều điểm du lịch tại Huế lại mang vẻ trầm buồn. Khu vực gần các điểm khách sạn tại vùng lõi thành phố có khu phố Tây, Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế và một số điểm vui chơi về đêm khác còn có “chỗ tới lui” cho khách, còn tại các vùng xa trung tâm thành phố, người đi du lịch phải “ngủ sớm” vì không có gì để vui chơi.
Đó là thực trạng được nhiều du khách chỉ ra khi chúng tôi đặt câu hỏi tại sao họ không ở lại Huế lâu hơn. Thậm chí với nhiều du khách, nếu đánh giá thẳng thắn thì không chỉ ban đêm mà vào ban ngày, Huế vẫn đang thiếu điểm kết nối để đủ sức hấp dẫn và giữ chân họ ở lại. Ông Ngô Việt Phú, đến từ Hà Nội, cũng là một người thường xuyên đi du lịch phân tích: “Hạ tầng thương mại, dịch vụ của Huế vẫn còn chưa đáp ứng. Huế đang thiếu các sản phẩm mua sắm, các dịch vụ vui chơi giải trí, các cơ sở dịch vụ phục vụ khách quy mô để phục vụ các đoàn khách lớn. Điều đó dẫn đến sự nhàm chán của du khách”.
Những năm trở lại đây, trái ngược với tăng trưởng lượng khách, thời gian lưu trú của khách lại giảm. Không tính giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì nhìn chung, xu hướng khách du lịch đến Huế đã tăng qua các năm và đạt mốc 3,93 triệu lượt năm 2024. Thế nhưng, thời gian lưu trú trung bình chỉ là 1,77 ngày; thấp hơn rất nhiều so với những năm 2000 (trung bình luôn lớn hơn 2 ngày). Khoảng cách lượng khách du lịch và khách lưu trú ngày càng xa chứng tỏ ngoài tham quan di tích, các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm chưa đủ hấp dẫn, dịch vụ về cơ sở vật chất chưa đáp ứng.
Thực tế, hạ tầng thương mại thành phố Huế tập trung chủ yếu vào khu vực đô thị, các khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế. Hạ tầng thương mại của Huế phụ thuộc chủ yếu vào kênh truyền thống là các chợ dân sinh; trong đó, chợ Đông Ba có quy mô đủ lớn để phục vụ khách du lịch. Hình thức thương mại hiện đại phục vụ du lịch phát triển rất hạn chế chỉ có 6 siêu thị, trung tâm thương mại. Hệ thống các nhà hàng trên địa bàn có sự tăng nhanh về lượng và chất; song tập trung chủ yếu khu vực đô thị trung tâm.
Các dịch vụ gắn với du lịch vẫn còn khá khiêm tốn. Dù những năm gần đây, các điểm vui chơi giải trí, rạp xem phim, các công trình phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn cho Nhân dân được xây dựng; các tuyến phố đi bộ, chợ đêm gắn với hoạt động vui chơi giải trí tại trung tâm đô thị, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Các dịch vụ tại đây còn nghèo, chưa tạo được dấu ấn bản sắc nên khó thu hút khách.
Theo đại diện Hiệp hội Du lịch, khai thác du lịch biển, du lịch sinh thái còn mới sơ khai, mang tính chất tự phát và chủ yếu hình thức du lịch cộng đồng; các cơ sở nghỉ dưỡng dọc ven biển quá ít và đầu tư đang chậm tiến độ. Các tiện nghi và dịch vụ tại các cơ sở lưu trú chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, còn hạn chế về số lượng. Dịch vụ giải trí và chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ spa và một dịch vụ thiết yếu khác vẫn còn ít và chưa đáp ứng phân khúc cao cấp.
Hiện nay, cùng với các xu hướng mới, hành vi và nhu cầu du lịch của du khách đã có nhiều thay đổi. Với du khách, du lịch không chỉ là tham quan, mà phải kết hợp được yếu tố “ăn và chơi”. Điều này đòi hỏi hạ tầng thương mại, dịch vụ phải theo kịp.
Để khách ở lại tiêu tiền
Không thể ngừng trăn trở nếu nhìn vào con số chi tiêu của khách đến Huế. Năm 2019, mức chi tiêu trung bình của khách nội địa là 1,08 triệu đồng/người/ngày; khách quốc tế 1,91 triệu đồng/người. Xét về mặt cơ cấu chi tiêu, khoản chi thuê phòng và ăn uống vẫn là chủ yếu. Trong đó chi thuê phòng với khách quốc tế 22%, trong nước 15%), ăn uống (quốc tế 25%, trong nước 24%), đi lại (quốc tế 13%, trong nước 26%); chi mua sắm hàng hóa, tham quan, vui chơi, y tế và khác chiếm gần 40%. Thực tế, khoản mua sắm ở Huế của khách vẫn chưa nhiều. Mặc dù khoảng năm 2022 - 2024, Huế ổn định mức mức chi tiêu của khách khoảng 2,1 triệu đồng/khách, nhưng mức chi tiêu của khách vẫn bị đánh giá thấp hơn trung bình của nhiều địa phương. Điều này đặt ra yêu cầu Huế cần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường du lịch trải nghiệm để nâng mức chi tiêu của khách.
Giám đốc Sở Du lịch Trần Thị Hoài Trâm cho biết, Huế đã xây dựng đề án phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2045, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cũng như các giải pháp. Bên cạnh việc hình thành các thể chế làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch - dịch vụ, Huế sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, hình thành các cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.
Chính quyền địa phương cũng đã và đang tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, xúc tiến kêu gọi đầu tư, trong đó có việc đầu tư hạ tầng thương mại, dịch vụ du lịch. Lãnh đạo thành phố với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành luôn lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bài, ảnh: HỮU PHÚC