Tập trung giải phóng mặt bằng
Dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc – Nam có tổng chiều dài hơn 1.541 km, điểm đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 15 tỉnh, trong đó có Hà Tĩnh với chiều dài khoảng 103,4 km – một trong những đoạn dài và quan trọng nhất trên toàn tuyến.
Tại Hà Tĩnh, tuyến tàu siêu tốc sẽ đi qua 18 xã và 5 phường, bố trí 3 nhà ga (2 ga hành khách tại Hà Huy Tập và Vũng Áng, 1 ga hàng hóa tại Sông Trí) cùng 1 depot (tại Kỳ Hoa) và 3 trạm bảo dưỡng dọc tuyến.
Tổ công tác cắm mốc GPMB tại xã Kỳ Hòa
Không chỉ là điểm trung chuyển chiến lược, đoạn tuyến qua Hà Tĩnh còn đóng vai trò đặc biệt trong chiến lược vận tải lưỡng dụng, phục vụ cả mục tiêu dân sinh, quốc phòng và phát triển logistics quốc tế tại khu vực cảng Vũng Áng.
Dự án tàu siêu tốc Bắc – Nam là công trình quan trọng quốc gia với tiến độ tổng thể đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2035. Trong đó, giai đoạn từ nay đến cuối năm 2026 là thời gian “vàng” để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) – nhiệm vụ then chốt, quyết định thành bại của toàn bộ dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ GPMB, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc cấp tỉnh. UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch GPMB, giao nhiệm vụ chi tiết cho các sở, ngành, địa phương liên quan.
Theo rà soát sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó hơn 1.279 hộ phải bố trí tái định cư (TĐC). Các địa phương đã đề xuất quy hoạch 35 khu TĐC với tổng diện tích khoảng 87,4 ha, kinh phí dự kiến 1.100 tỷ đồng.
Ông Lê Anh Sơn – Phó giám đốc Sở Xây Dựng Hà Tĩnh trả lời tại buổi họp báo do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì
Trình bày tại buổi họp báo vào sáng 22.7, liên quan Dự án này, ông Lê Anh Sơn – Phó giám đốc Sở Xây Dựng Hà Tĩnh thông tin, hiện đã có 20/23 xã, phường hoàn tất rà soát số liệu TĐC, trong đó khu TĐC đầu tiên tại phường Hà Huy Tập (quy mô 4,9 ha) dự kiến khởi công vào ngày 19.8.2025. Các khu TĐC còn lại sẽ khởi công đồng loạt trong tháng 10.2025 và cơ bản hoàn thành trước tháng 6.2026 để kịp bàn giao ít nhất 80% mặt bằng cho chủ đầu tư đúng hạn.
Cơ chế đặc thù – “chìa khóa” tháo gỡ nút thắt
Nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho dự án, Quốc hội đã phê duyệt nhiều cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 172/2024/QH15. Trong đó, nổi bật là việc cho phép UBND tỉnh quyết định quy hoạch, kiến trúc vùng phụ cận nhà ga; rút ngắn thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; điều chỉnh thời hạn, công suất khai thác mỏ vật liệu xây dựng mà không cần lập dự án riêng hay đánh giá tác động môi trường.
Với 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó hơn 1.279 hộ phải bố trí tái định cư, rất cần sự đồng thuận của người dân, sự chung tay của cấp ủy chính quyền
Đặc biệt, Hà Tĩnh được phép triển khai xây dựng khu TĐC trên cơ sở thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi – cơ chế chưa từng có trong các dự án hạ tầng lớn trước đây. Điều này giúp tiết kiệm hàng năm trời cho khâu chuẩn bị đầu tư, góp phần đưa dự án từ "giấc mơ trên giấy" thành hiện thực cụ thể.
Bên cạnh GPMB dân cư, Hà Tĩnh cũng khẩn trương phối hợp với các ngành để rà soát và lên phương án di dời hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng: hệ thống truyền tải điện, cấp nước, viễn thông, công trình quốc phòng. Riêng đối với đường điện từ 110kV trở lên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm di dời, đảm bảo hoàn thành trước tháng 12.2026.
Đến nay, các cơ quan chuyên ngành đã cơ bản hoàn tất việc rà soát, khoanh vùng khu vực bị ảnh hưởng và lập danh sách công trình cần xử lý. Tỉnh cũng đang chỉ đạo thành lập Hội đồng bồi thường GPMB tại 20/23 xã, phường và Ban Chỉ đạo GPMB cấp xã tại 13/23 đơn vị.
Những cột mốc GPMB đầu tiên đã được cắm tại Hà Tĩnh
Với quyết tâm chính trị cao và sự chuẩn bị đồng bộ, Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến tháng 12.2026 sẽ bàn giao tối thiểu 80% mặt bằng cho chủ đầu tư và hoàn tất toàn bộ khối lượng GPMB trước tháng 12.2027. Đồng thời, tỉnh này cũng đang đẩy mạnh việc khai thác quỹ đất dọc các nhà ga để thu hút đầu tư, hình thành các khu đô thị vệ tinh, dịch vụ hậu cần và logistic đồng bộ với hạ tầng siêu tốc, mở ra không gian phát triển hoàn toàn mới cho các vùng vốn kém phát triển.
NGÂN HÀ