Hà Tĩnh đặt tên phường, xã sau sáp nhập như nào?

Hà Tĩnh đặt tên phường, xã sau sáp nhập như nào?
5 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa có công văn gửi Sở Nội vụ và các huyện, thành phố, thị xã về việc tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025.
Theo đó, với dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã vừa ban hành, Hà Tĩnh sẽ giảm từ 209 ĐVHC cấp xã xuống còn 69 đơn vị, giảm 140 xã, đạt tỷ lệ 67%. Trên cơ sở dự thảo, UBND tỉnh giao các huyện, thành phố, thị xã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã đúng hình thức, thời gian, quy trình.
Thành phố Hà Tĩnh giảm từ 28 đơn vị hành chính cấp phường, xã xuống còn 7 đơn vị cơ sở.
Việc lấy ý kiến được thực hiện với đại diện hộ gia đình ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đó theo hình thức phát phiếu lấy ý kiến từ ngày 22 - 24/4.
UBND cấp xã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng và ban hành kế hoạch phát phiếu lấy ý kiến nhân dân, gồm các nội dung chính: mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian lấy ý kiến, phân công tổ chức thực hiện, các điều kiện bảo đảm việc tổ chức lấy ý kiến.
Trên cơ sở biên bản kiểm phiếu của các tổ phát phiếu, cấp xã sẽ tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện (qua Phòng Nội vụ). Từ đó, các huyện sẽ tổng hợp báo cáo Sở Nội vụ để đơn vị này tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện đề án gửi HĐND các cấp xem xét, biểu quyết. Sở Nội vụ cũng tổng hợp kết quả biểu quyết của HĐND các cấp, hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ (qua Bộ Nội vụ thẩm định) trước ngày 1/5.
Theo dự thảo phương án sắp xếp ĐVHC, sau sáp nhập, nhiều phường, xã sẽ được mở rộng, giữ tên vốn có, lựa chọn các trụ sở là trung tâm phân bố dân cư, địa lý thuận lợi, phù hợp với điều kiện phát triển tương lai... Tỉnh này không sử dụng tên gọi chung kèm số thứ tự như một số địa phương khác cho phường, xã sau sáp nhập.
Trong đó, có nhiều tên gọi mới của đơn vị hành chính cấp phường xã, sau sáp nhập như: phường Thành Sen trên cơ sở nhập 8 đơn vị, gồm: phường Bắc Hà, Thạch Quý, Tân Giang, Thạch Hưng, Nam Hà, Trần Phú, Hà Huy Tập, Văn Yên và một phần diện tích, dân số của phường Đại Nài; hay phường Hoành Sơn, Hải Ninh, Vũng Áng, Bắc Hồng Lĩnh, Nam Hồng Lĩnh...
Hà Tĩnh khẩn trương lấy ý kiến người dân về đề án sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo lãnh đạo Hà Tĩnh, sắp xếp ĐVHC cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là bước đi quan trọng, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đồng thời tạo dư địa để phát huy tiềm năng, lợi thế. Đây không chỉ là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển mà còn là cơ hội để tổ chức lại không gian hành chính, từ đó mở ra những động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời gian tới.
"Sáp nhập không chỉ điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã mà còn tạo ra không gian phát triển mới, hướng tới một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn. Quá trình sắp xếp không tránh khỏi những xáo trộn, thay đổi nhưng vì sự phát triển, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân, địa phương sẽ thực hiện hiệu quả nhất, nhanh nhất chủ trương để đi vào hoạt động thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới", Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Hà Văn Bình chia sẻ.
Phạm Trường
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/ha-tinh-dat-ten-phuong-xa-sau-sap-nhap-nhu-nao-post1736127.tpo