Hà Tĩnh đầu tư hỗ trợ phát triển logistics cảng biển xứng tầm

Hà Tĩnh đầu tư hỗ trợ phát triển logistics cảng biển xứng tầm
6 giờ trướcBài gốc
Thiết bị điện gió thuộc loại hàng hóa siêu trường, siêu trọng được bốc dỡ thành công tại cảng Vũng Áng.
Hà Tĩnh là một trong những địa phương có chiều dài bờ biển dài nhất nước. Đặc biệt, trong đó có khu vực vịnh Sơn Dương với độ sâu tự nhiên từ 15 đến 22m, là điều kiện lý tưởng để phát triển hệ thống cảng nước sâu trung chuyển quốc tế.
Hiện nay, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương cũng là một yếu tố tạo nên sức hút cho Khu kinh tế Vũng Áng. Theo đánh giá, đây là cụm cảng có độ sâu tự nhiên lớn, hằng năm độ sa bồi ít nên có thể tiếp nhận được các tàu có trọng tải lớn đến 350.000 DWT. Cụm cảng này còn có luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý), thuận lợi để kết nối với các tuyến giao thông hàng hải quốc tế đến các nước Nam Á, Bắc Mỹ và châu Âu. Hàng năm, số lượng hàng hóa thông qua cảng đều tăng lên khoảng 20 - 30%.
Nhận thấy được những ưu thế của cụm cảng biển nước sâu này nên nhiều dự án lớn đều lựa chọn Khu kinh tế Vũng Áng làm nơi triển khai đầu tư như Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Tổng kho xăng dầu - dầu khí Vũng Áng…
Các phương tiện bốc dỡ hàng hóa tại cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định dịch vụ logistics là một trong bốn ngành kinh tế trọng điểm, phấn đấu đưa Hà Tĩnh trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ.
Thời gian qua, để thu hút, duy trì tuyến vận chuyển container qua cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chủ tàu, chủ hàng container ra vào cảng. Mới đây nhất, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 113/2023/NQ-HĐND, ngày 8/12/2023, về một số chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2025, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa, Nghị quyết 113 hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức có hãng tàu vận tải vận chuyển container qua cảng Vũng Áng 200 triệu đồng/chuyến. Đối với các tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng Vũng Áng được hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1.000.000 đồng/container 40 feet trở lên. Ngoài ra, các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư kho hàng hóa được hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị, máy móc, phần mềm quản lý và vận hành kho nhưng không quá 1 tỷ đồng/kho hàng hóa.
Tàu trọng tải lớn cập cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Lào - Việt là đơn vị thực hiện quản lý, khai thác tại cảng Vũng Áng. Trong năm 2023 đã có trên 350 lượt tàu, vận chuyển trên 10 triệu tấn hàng hóa qua cảng. Trong 9 tháng của năm 2024 là trên 8 triệu tấn hàng hóa với tổng doanh thu 190 tỷ đồng.
Ông Phạm Quốc Lượng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt cho biết, các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu chi phí, tạo động lực thúc đẩy phát triển tuyến vận chuyển container cố định qua Vũng Áng. Ngoài ra, nhờ sự đồng hành và hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước như Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Vũng Áng, công ty đã tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc và thực hiện tốt các chính sách, pháp luật liên quan. Các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn, thuận lợi, giúp các chủ tàu, chủ hàng rất hài lòng về sự hỗ trợ của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng cao của doanh nghiệp, công ty đang nỗ lực hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm cầu cảng số 3.
Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển, thời gian qua Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào lĩnh này.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh thông tin, trong thời gian đơn vị đã phối hợp cùng với các cơ quan liên quan triển khai xây dựng quy hoạch phát triển cảng biển, quy hoạch chi tiết và quy hoạch phát triển vùng đất, vùng nước, tạo cơ sở quan trọng để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực cảng biển tại Hà Tĩnh. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bến cảng hiện đang khai thác, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, từ đó thu hút nhiều tàu thuyền đến cảng hơn. Đồng thời, hỗ trợ các nhà đầu tư hiện đang đầu tư vào các cảng, bến trong khu vực để sớm hoàn thành và đưa vào khai thác, nhằm tăng năng lực tiếp nhận tàu thuyền.
Các phương tiện bốc dỡ hàng hóa tại cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Ngoài ra, đơn vị cũng đề xuất với Cục Hàng hải Việt Nam thường xuyên duy tu, bảo đảm độ sâu các tuyến đường hàng hải, khơi thông luồng lạch để tàu thuyền ra vào thuận lợi. Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ làm công tác quản lý an toàn hàng hải và giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.
Với việc triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2025, Hà Tĩnh đang từng bước khai thác hiệu quả lợi thế vị trí tự nhiên, cảng biển, phát triển dịch vụ logistics, đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Từ đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Tĩnh trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bài, ảnh: Hữu Quyết (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/ha-tinh-dau-tu-ho-tro-phat-trien-logistics-cang-bien-xung-tam-20241024101949927.htm