Nước lũ lên nhanh khiến hàng chục ngôi nhà tại thôn Tiền Phong chìm trong biển nước, sân vườn và lối đi đều bị ngập. Ảnh: Cẩm Kỳ
Theo ghi nhận trong tối 24 và rạng sáng 25/7, nước trên sông La dâng nhanh, khiến các thôn Tiền Phong, Trung Thành (xã Đức Quang) ngập sâu. Một số tuyến đường liên thôn bị chia cắt hoàn toàn, người dân buộc phải di chuyển bằng thuyền. Ước tính có khoảng 100 hộ dân ở thôn Tiền Phong bị cô lập tạm thời.
Cán bộ công an lội nước đến từng nhà để nắm bắt tình hình, hỗ trợ người dân vùng ngập tại thôn Tiền Phong. Ảnh: Cẩm Kỳ
Tuy nhiên, nhờ có kinh nghiệm ứng phó với lũ lụt, nhiều hộ dân đã chủ động kê cao tài sản, đưa gia súc lên nơi an toàn và chuẩn bị sẵn thuyền để sẵn sàng đối phó khi nước dâng cao. “Nước lũ bắt đầu lên từ tối qua, sáng nay có dấu hiệu rút nhưng chiều khả năng sẽ lên lại. Gia đình tôi đã chuyển hết đồ đạc lên tầng cao, sẵn sàng đưa người già và trẻ nhỏ đến nơi an toàn nếu cần”, ông Ngô Văn Hùng, trú tại thôn Tiền Phong cho biết.
Nước lũ bao phủ toàn bộ đường vào Nhà văn hóa cộng đồng thôn Tiền Phong, gây chia cắt cục bộ trong khu vực. Ảnh: Cẩm Kỳ
Trước sự việc trên, chính quyền xã Đức Quang đã huy động dân quân, công an và đoàn thanh niên hỗ trợ người dân di dời tài sản, vật nuôi. Các điểm ngập sâu đều có lực lượng túc trực để phản ứng kịp thời nếu có tình huống phát sinh.
Theo thống kê sơ bộ, tại xã Đức Quang có khoảng 23,5ha lúa và gần 40ha hoa màu như đậu, ngô, vừng bị ngập sâu, hư hại hoàn toàn. Tổng thiệt hại ước tính gần 1,2 tỷ đồng.
Nhiều tuyến đường tại xã Đức Minh bị ngập sâu, chính quyền địa phương trực tiếp xuống hiện trường để nắm bắt tình hình và động viên người dân. Ảnh: Cẩm Kỳ
Lân cận đó, tại xã Đức Minh, tình hình cũng nghiêm trọng không kém. Các thôn Thanh Kim, Thịnh Kim, Văn Khang, Tân Khang bị nước lũ bao vây. Giao thông bị chia cắt, ít nhất 50 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Ông Trần Văn Chức, thôn Thịnh Kim, chia sẻ: “Từ tối qua, thấy nước bắt đầu lên, gia đình tôi đã huy động con cháu kê cao giường tủ, chuyển đồ điện tử và lương thực lên tầng trên. Sáng nay nước có rút chút ít nhưng vẫn phải cảnh giác”.
Người dân xã Đức Minh nâng cao vật dụng thiết yếu nhằm hạn chế thiệt hại do nước lũ dâng cao. Ảnh: Cẩm Kỳ
Xã Đức Minh hiện có khoảng 65ha hoa màu chủ yếu là sắn, đậu, vừng bị ngập úng, có nguy cơ mất trắng. Đây là năm thứ ba liên tiếp người dân ven sông La chịu ảnh hưởng bởi ngập lụt do lũ từ sông Cả đổ về, khiến sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng.
Ông Lê Đình Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh cho biết, ngay khi nước lũ bắt đầu lên, xã đã kích hoạt phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời thành lập các tổ công tác xuống kiểm tra các điểm ngập, khu vực có nguy cơ sạt lở. “Chúng tôi bố trí lực lượng túc trực 24/24, liên tục tuyên truyền để bà con không chủ quan, sẵn sàng sơ tán nếu tình hình chuyển biến xấu”, ông Tài nói.
Ngõ nhỏ vào nhà dân không còn lối đi, nước lũ len lỏi vào từng khu vực sinh hoạt. Ảnh: Cẩm Kỳ
Ghi nhận sáng 25/7 cho thấy mực nước tại một số điểm đã bắt đầu rút nhẹ. Tuy nhiên, theo dự báo, thủy triều lên và nước tiếp tục đổ về từ thượng nguồn có thể khiến mực nước đạt đỉnh trở lại vào trưa cùng ngày.
Chính quyền hai xã tiếp tục khuyến cáo người dân vùng trũng chủ động bảo vệ tài sản, hạn chế đi lại và chuẩn bị các phương án ứng phó trong điều kiện thời tiết còn diễn biến phức tạp.
Chính quyền xã Đức Minh phối hợp với lực lượng công an kiểm tra hiện trường, chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho người dân. Ảnh: Cẩm Kỳ
Cẩm Kỳ