Thời gian qua, chất lượng chuyên môn, tinh thần thái độ phục vụ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Hà Tĩnh được nâng cao, người bệnh đến KCB tại các cơ sở y tế ngày một gia tăng. Điều này dẫn đến nhiều cơ sở KCB công lập luôn trong tình trạng quá tải công suất giường bệnh kế hoạch, phải đối mặt với tình trạng không được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí KCB bảo hiểm y tế (BHYT) do số giường bệnh vượt so với kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vì vậy, Sở Y tế Hà Tĩnh vừa chỉ đạo các cơ sở KCB công lập trên địa bàn tăng cường sàng lọc bệnh nhân vào viện, giảm gia tăng bệnh nhân nội trú, tăng số lượng bệnh nhân ngoại trú, qua đó giúp giảm áp lực công suất giường bệnh.
Chăm sóc bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà.
Bệnh nhân Nguyễn Lê Hiếu (trú tại thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, huyện Thạch Hà) mắc ung thư phổi gần 3 năm, những cơn ho kéo dài, những đợt truyền hóa chất liên miên khiến ông phải nhập viện thường xuyên.
“Những năm qua, thời gian tôi nằm viện nhiều hơn ở nhà. Với tôi, Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà không chỉ là nơi điều trị mà đã trở thành ngôi nhà thứ hai, khi đến đây điều trị tôi rất yên tâm bởi sự chăm sóc nhiệt tình của đội ngũ y bác sĩ", bệnh nhân Hiếu chia sẻ.
Với hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng khá đồng bộ, hệ thống thiết bị y tế được quan tâm đầu tư, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế ngày càng được nâng cao về năng lực, trình độ chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà đã tạo niềm tin và sự hài lòng từ người bệnh, người dân. Vì vậy, lưu lượng bệnh nhân đến KCB tại bệnh viện ngày một đông hơn.
Hiện nay, giường bệnh kế hoạch của bệnh viện được giao là 140 giường, tuy nhiên do số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị đông nên số lượng giường bệnh thực kê là 285 giường. Công suất giường bệnh là 166% do đó bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.
Bác sĩ CKI Nguyễn Song Nhật, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà cho biết, năm 2024, các cơ sở y tế đang thực hiện việc thanh toán tiền giường theo quy định của Bộ Y tế về quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong một số trường hợp cụ thể. Số giường bệnh tại vượt không được quỹ BHYT thanh toán là trên 3,7 tỷ đồng làm ảnh hưởng rất lớn vấn đề tự chủ mức độ 2 của đơn vị.
Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh
Sau tai nạn ngã từ trên cao xuống, bệnh nhân Lê Văn Dũng, (52 tuổi, trú tại xóm 1, xã Thạch Mỹ, huyện Thạch Hà) bị chấn thương cột sống cổ, gãy xương chậu và liệt tứ chi, phải nằm hoàn toàn tại giường trong thời gian dài. Điều trị tích cực 6 tháng tại khoa Châm cứu, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, bệnh nhân Dũng mới có thể tự đi lại được.
Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh được phê duyệt 160 giường bệnh kế hoạch. Tuy nhiên, công suất giường thực tế của bệnh viện ở mức trên 280%. Điều này cho thấy nhu cầu KCB của người dân, cũng như mức độ quá tải của bệnh viện là rất lớn. Số lượng người bệnh đến KCB tại bệnh viện đông, trong khi bệnh viện không có quyền từ chối người bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật BHYT phải bảo đảm quyền lợi của người bệnh đến KCB BHYT. Vì thế, việc kiểm soát số lượng người bệnh điều trị nội trú nằm ngoài khả năng của bệnh viện.
Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh được phê duyệt 160 giường bệnh kế hoạch. Tuy nhiên, công suất giường thực tế của bệnh viện ở mức trên 280%.
Tương tự, tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà, nhờ nâng cao chất lượng KCB, người bệnh đến KCB tại đây ngày một đông. Khi người bệnh đến KCB, với chức năng nhiệm vụ được giao, đơn vị đã thực hiện theo đúng các tiêu chí nhập viện điều trị nội trú và điều trị ngoại trú cho người bệnh. Năm 2024, Trung tâm tiếp nhận 69.194 lượt người bệnh đến KCB, 12.144 người bệnh nội trú bảo hiểm y tế. Trung tâm được phê duyệt 150 giường kế hoạch, tuy nhiên số giường thực tế của bệnh viện là 320, vượt 50% kế hoạch được giao.
Theo báo cáo từ Sở Y tế, nhiều cơ sở KCB khác trên địa bàn đều có công suất giường bệnh luôn đạt trên 100%, một số đơn vị đạt 150- 200% so với giường bệnh kế hoạch đã được UBND tỉnh giao. Trong năm 2024, toàn tỉnh có 17 cơ sở KCB vượt tiền giường kế hoạch theo quy định chưa được cơ quan Bảo hiểm xã hội chấp nhận thanh toán với số tiền trên 50,9 tỷ đồng. Điều này gây ra không ít những khó khăn cho các cơ sở KCB nhất là trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ.
Các bệnh viện, trung tâm y tế luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân.
Từ ngày 01/01/2025, Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế về quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp cụ thể đã hết hiệu lực. Hiện nay, chưa có văn bản nào, hướng dẫn, quy định cụ thể về thẩm quyền giao tăng giường bệnh cho các cơ sở y tế công lập. Chính vì vậy, việc thực hiện các bước để phê duyệt đề án xin gia tăng giường bệnh của các cơ sở y tế đang gặp nhiều vướng mắc.
Bác sĩ CKI Lê Chánh Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, để giải quyết vấn đề quá tải về giường bệnh, sở đề nghị các các cơ sở KCB công lập trên địa bàn tăng cường sàng lọc bệnh nhân vào viện, để giảm bệnh nhân nội trú, nâng cao chất lượng điều trị ngoại trú, qua đó giúp giảm áp lực công suất giường bệnh. Đồng thời, UBND tỉnh chủ trì làm việc với Sở Y tế và các Sở, ngành có liên quan để soát xét phương án về xử lý giao/nâng quy mô giường bệnh cho các cơ sở y tế công lập một cách phù hợp.
"Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cơ quan chức năng, việc giao, tăng giường bệnh, giảm quá tải cho các cơ sở y tế, đảm bảo chất lượng KCB của người dân sớm được xem xét, giải quyết", Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho hay.
Đoàn Loan - Nguyễn Sơn