Lũ bất ngờ, người dân Hà Tĩnh không kịp trở tay khiến lúa đã gặt về nhà nhưng vẫn bị ngâm trong nước. Ảnh: C.K
Người dân trắng tay, chính quyền địa phương cấp tốc vào cuộc cứu mùa, cứu dân.
Nông dân thiệt hại nặng nề
“Chưa bao giờ dân mình mất mùa... ngay trong nhà”, câu nói nghẹn ngào của ông Võ Tá Ới (61 tuổi, thôn Tân Mỹ, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) giữa căn nhà vẫn đang ngập trong nước trưa ngày 25/5 đã khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Hơn 1 tấn lúa ông Ới vừa thu hoạch chưa kịp đưa lên gác bếp thì bị nước lũ “nuốt chửng” trong đêm mưa lớn.
Trận mưa bất thường kéo dài từ đêm 24 đến rạng sáng 25/5 đã gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng ở nhiều địa phương tỉnh Hà Tĩnh. Hàng ngàn hộ dân trở tay không kịp khi nước dâng nhanh cuốn theo tài sản, lúa gạo, thậm chí là cả hy vọng về một vụ mùa no đủ.
Theo thống kê từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh có đến 2.250ha lúa vụ xuân chưa kịp thu hoạch bị ngập nước. Cùng với đó, hơn 2.000 tấn lúa đã gặt về cũng bị ngấm nước hoặc cuốn trôi, hơn 397ha hoa màu chìm trong nước.
Huyện Cẩm Xuyên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất khi có tới 690ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó phần lớn đã đến kỳ thu hoạch.
“Lúa mới gặt về được vài ngày, chưa kịp phơi thì lũ vào ban đêm. 9 tạ lúa của tôi ướt sạch, giờ nếu không sấy kịp thì chẳng còn gì để ăn chứ chưa nói đến bán lấy tiền”, ông Nguyễn Hữu Linh (58 tuổi, thôn Thượng Long, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) chia sẻ với giọng xót xa.
Không chỉ mất trắng lúa gạo, mưa lũ còn cuốn trôi gần 12.000 con gia súc, gia cầm; làm ngập úng, đổ ngã 175ha rau màu, cây trồng cạn và gây hư hỏng hàng loạt tài sản gia dụng, thiết bị điện tử của người dân. Riêng tại xã Cẩm Thịnh, nước lũ đã “xóa sổ” hơn 250 gốc đào, 11 tấn phân bón và làm đổ sập hơn 110m tường rào.
Trận lũ bất ngờ trong tháng 5 đã để lại hậu quả nặng nề cho đời sống và sản xuất của hàng ngàn hộ dân. “Chưa từng thấy tháng 5 lại mưa lớn như vậy. Mọi năm lo lũ mùa Hè Thu, năm nay giữa mùa Hè lại bị ngập. Mất mùa ngay trong nhà, đúng là lũ lịch sử”, ông Ới nói, mắt rơm rớm.
Người nông dân xót xa nhìn công sức hàng tháng trời bị hủy hoại bởi dòng nước lũ. Ảnh: C.K
Cứu mùa, cứu dân
Trước tình huống khẩn cấp, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các công điện khẩn, chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đã ký công điện yêu cầu các ngành, địa phương tập trung hỗ trợ người dân bảo vệ tài sản, thu hoạch lúa, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Trực tiếp kiểm tra tại vùng lũ nặng Cẩm Xuyên vào chiều 25/5, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Duy Lâm đánh giá đây là một hiện tượng thời tiết hiếm gặp, trái mùa, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất. Ông yêu cầu các xã, thị trấn khẩn trương rà soát thiệt hại, chủ động thu hoạch diện tích lúa còn lại ngay sau khi nước rút và phối hợp với các cơ sở sấy để cứu lúa ướt cho bà con.
Lực lượng tại chỗ như dân quân, đoàn thanh niên, cán bộ xã... đã được huy động xuyên đêm hỗ trợ di dời tài sản, kê kích lúa gạo, bảo vệ vật nuôi.
Theo ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, chính quyền địa phương đã chỉ đạo kịp thời các xã tiêu úng, thu hoạch lúa sớm, tổ chức vận chuyển và sấy khẩn trương số lúa bị ướt.
Chị Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc HTX Hạnh Cường (Cẩm Xuyên) cho biết: “Chúng tôi đã thu mua gần 60 tấn lúa bị ngập cho bà con trong 2 ngày qua. Với 4 lò sấy hoạt động 24/24, mỗi ngày sấy được khoảng 70 tấn lúa. Tuy nhiên, do lúa ngập nước nên thời gian sấy lâu hơn bình thường. Dù vậy, HTX vẫn cố gắng xoay xở kho bãi để tiếp tục hỗ trợ người dân”.
Không chỉ tổ chức sấy, các cơ sở thu mua cũng cam kết không ép giá, duy trì mức thu mua ổn định để giảm thêm gánh nặng cho người dân vùng lũ. Tính đến nay, khoảng 100 tấn lúa bị ảnh hưởng đã được sấy khô, kịp thời “giải cứu” trước nguy cơ nấm mốc, hư hỏng.
Lực lượng chức năng hỗ trợ đưa lúa của người dân đi sấy. Ảnh: P.T
Song song với cứu lúa, chính quyền cũng không quên các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh sau lũ. Huyện Cẩm Xuyên đã yêu cầu Trung tâm Y tế triển khai tiêu độc, khử trùng khu dân cư, hạn chế nguy cơ dịch bệnh do nước ngập để lại. Ngoài ra, công tác kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, khu vực sạt lở tiềm ẩn nguy cơ cũng được các ngành chức năng thực hiện gấp rút.
Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh cho biết, lượng mưa từ 20 giờ ngày 24 đến 4 giờ sáng 25/5 tại một số địa phương lên đến 400mm, cá biệt hồ Kẻ Gỗ ghi nhận lượng mưa 433mm - mức cực lớn trong tháng 5. Dự báo trong thời gian tới, thời tiết còn diễn biến khó lường, tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương chủ động phòng chống, đảm bảo an toàn cho vụ Hè Thu sắp tới.
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh cho biết, hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 15 cơ sở, công ty, HTX có dịch vụ sấy lúa, trong đó 5 cơ sở đã hoạt động hết công suất để sấy lúa cho người dân. Số còn lại đang được liên hệ để hỗ trợ tiếp nhận, bảo quản và sấy khô lúa. Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh đã chủ động kết nối với các đơn vị này nhằm đảm bảo không để lúa bị ướt ủ lâu, gây hư hỏng.
Tiến Hiệp