Hà Tĩnh đề ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: ST
Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa ban hành Chương trình số 46-CTr/TU ngày 4/7/2025 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo đó, Hà Tĩnh đề ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, giải quyết việc làm cho người lao động, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về các mục tiêu cụ thể, Hà Tĩnh đặt ra đến năm 2030, phấn đấu toàn tỉnh có khoảng 18.000-20.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế, bình quân 13-15 doanh nghiệp/1.000 dân.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 60-65% GRDP, khoảng 60-65% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Hà Tĩnh phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động hội nhập, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng quốc gia và thế giới; có năng lực cạnh tranh cao; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 35.000 doanh nghiệp hoạt động; đóng góp trên 65% GRDP của tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Chương trình hành động cũng đưa ra 8 nhóm giải pháp gồm: Đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, tạo khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân; đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách; bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân; tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao;
Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI; hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước...
Tỉnh xác định, trong năm 2025 sẽ hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch để loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; đẩy mạnh chuyển đổi số để cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn,...; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Phấn đấu cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025 và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Nghị quyết 68) được ban hành với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Theo ông Trần Nguyễn Huỳnh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ tài chính và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, Nghị quyết 68 không chỉ là một thông điệp chính trị mạnh mẽ mà còn là lời khẳng định rõ ràng về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân với những chính sách thực chất và mang tính cách mạng.
Điểm đột phá của Nghị quyết là đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu cho từng thời kỳ, chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp tổng quát, cụ thể để phát triển kinh tế tư nhân. Đây là chủ trương đúng đắn và khi được triển khai, đi vào cuộc sống sẽ tạo nền tảng vững chắc để doanh nghiệp tư nhân nói chung và doanh nghiệp tư nhân Hà Tĩnh nói riêng tiếp tục đổi mới, khẳng định năng lực, bản lĩnh với chiến lược sản xuất - kinh doanh bài bản, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà. Ngay khi Nghị quyết được ban hành, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh rất phấn khởi và kỳ vọng đây sẽ là lực đẩy để doanh nghiệp tư nhân “cất cánh”.
Đ. KHOA