Khoảng 2 tháng trở lại đây, khi bước vào mùa cao điểm xây dựng, tình trạng thiếu lao động diễn ra phổ biến không chỉ ở các công trình lớn mà cả ở các công trình tư nhân nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Tĩnh.
Căn nhà của bà Lan (xã Thạch Mỹ, huyện Thạch Hà) hơn tuần nay thợ phải nghỉ về làm mùa nên việc hoàn thiện ngôi nhà phải tạm gác lại.
Ghi nhận ngày 21/5, tại ngôi nhà đang hoàn thiện của bà Nguyễn Thị Lan (thôn Hữu Ninh, xã Thạch Mỹ, huyện Thạch Hà), công trình đã xong phần thô nhưng không có thợ tiếp tục thi công.
“Nhà tôi khởi công đầu tháng 3, theo kế hoạch giờ đã phải xong. Nhưng hơn một tuần nay, thợ xin nghỉ về làm mùa nên mọi việc tạm gác lại”, bà Lan chia sẻ.
Tương tự, gia đình anh Lê Minh Dân (xã Đồng Lộc, Can Lộc) cũng gặp khó khi không thể thuê thợ sau khi tháo dỡ công trình phụ. “Đã chọn ngày tốt nên vẫn tiến hành sửa sang, nhưng thiếu thợ khiến mọi kế hoạch đảo lộn. Một mình tôi phải tự làm từ trộn vữa đến xây trát, rất vất vả”.
Ông Trần Lê Minh – chủ thầu xây dựng tại phường Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) cho biết, đây là thời điểm thường xuyên thiếu thợ. “Tổ thợ của tôi duy trì 16–18 người, nhưng sau Tết nhiều người chuyển sang ngành khác có thu nhập cao hơn. Tôi phải chia việc, thậm chí nhờ các tổ khác hỗ trợ để kịp tiến độ các công trình đã nhận”.
Tình trạng khan hiếm nhân công đang khiến nhiều nhà thầu và hộ dân trên địa bàn lao đao, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình xây dựng.
Khan hiếm thợ xây đang là bài toán khó đối với các chủ thầu xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh.
Dù mức lương hiện tại khá hấp dẫn – từ 450.000 - 500.000 đồng/ngày đối với thợ chính và 350.000 - 380.000 đồng/ngày với thợ phụ – nhưng theo ông Trần Lê Minh, nhiều người vẫn không mặn mà với nghề do tính chất công việc nặng nhọc, vất vả.
Anh Trần Hữu An, một chủ thầu có kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề cho biết: "Trước đây đoàn của tôi có hơn 20 người, xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ từ đơn giản đến cầu kì. Nhưng hiện giờ, vẫn đoàn tôi chỉ còn 5 người đều đã ở độ tuổi trên 50".
Theo anh An, giờ công việc xây dựng đã được đầu tư máy móc tự động, đồ dùng chuyên dụng để hạn chế sức lao động, rút ngắn thời gian, đảm bảo tiến độ công trình, tuy nhiên nhiều người trẻ vẫn không mặn mà.
Ông Trần Nhân Hoan (65 tuổi) người thợ có hơn 30 năm gắn bó với nghề thợ xây chia sẻ: trong quá trình làm, chúng tôi thường xuyên đối mặt với những tai nạn rủi ro, mắc bệnh ngoài da do dị ứng với xi măng.
Nhiều người yêu nghề, thích làm nghề song lực bất tòng tâm vẫn phải bỏ nghề, một số khác thì sợ nguy hiểm nên chuyển sang làm việc khác.
"Làm thợ xây, việc chủ yếu ngoài trời, công việc nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm, hầu hết không có chế độ bảo hiểm. Tiền công thợ chính như chúng tôi 500 nghìn/ngày nhưng nhiều người không gắn bó", ông Hoan thở dài.
Việc thiếu hụt nhân công xây dựng tại Hà Tĩnh đang diễn ra trên diện rộng, nhất là sau Tết – thời điểm nhu cầu xây dựng nhà ở, công trình dân sinh tăng mạnh. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án lớn về hạ tầng giao thông, trường học, vỉa hè... đồng loạt khởi công khiến nguồn nhân lực không đáp ứng kịp nhu cầu.
Một nguyên nhân khác khiến thợ xây dễ “rơi rụng” là do không có hợp đồng lao động ràng buộc với nhà thầu. Thợ có thể tự do nghỉ việc hoặc chuyển sang nơi có mức đãi ngộ cao hơn bất cứ lúc nào.
Để ứng phó tình trạng này, nhiều nhà thầu nhỏ buộc phải tuyển dụng lao động phổ thông địa phương, nhờ người quen giới thiệu hoặc chấp nhận tăng mức trả công. Một số chủ thầu cũng đầu tư mạnh vào thiết bị cơ giới như máy trộn hồ, máy cắt sắt, tời nâng vật liệu... nhằm giảm sức lao động cho thợ và tăng hiệu quả thi công.
Phương Dung