Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ấn nút khởi động dự án nhà máy sản xuất ô-tô điện 7.300 tỷ đồng tại Hà Tĩnh.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Do đó, Hà Tĩnh quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, điều hành ngân sách nhà nước, chủ động giải quyết hiệu quả những vấn đề mới phát sinh. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án... Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong tham mưu; chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp. Chăm lo phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ...
Chia sẻ về phương án phát triển các vùng động lực và các trục phát triển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cho biết, TP Hà Tĩnh là đô thị cấp vùng, hỗ trợ cho sự phát triển vùng liên tỉnh; trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục- đào tạo, dịch vụ, khoa học - công nghệ, du lịch, đầu mối giao thông, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Thị xã Kỳ Anh với trọng tâm Khu kinh tế Vũng Áng là trung tâm công nghiệp, dịch vụ phía Nam Hà Tĩnh; tập trung phát triển công nghiệp luyện thép, chế biến, chế tạo sau thép, các dịch vụ hỗ trợ sản xuất và du lịch nghỉ dưỡng. Thị xã Hồng Lĩnh gắn với huyện Nghi Xuân là trung tâm kinh tế phía Bắc của tỉnh, kết nối với các địa phương lân cận để khai thác tiềm năng phát triển, với các ngành mũi nhọn là công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch. Phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tập trung phát triển các sản phẩm có tiềm năng lợi thế như thép và chế tạo các sản phẩm từ thép; sản xuất điện; chế biến nông, lâm, thủy sản; dệt may; vật liệu xây dựng chất lượng cao; dược phẩm sinh học; công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp khác có tiềm năng. Chuyển đổi cơ cấu và hiện đại hóa ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng phát huy lợi thế của các địa phương, các vùng sinh thái; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để đưa Hà Tĩnh trở thành tình khá của cả nước thì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021- 2030 đạt trên 9%/năm. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,9%; công nghiệp- xây dựng chiếm khoảng 60,3%; dịch vụ chiếm khoảng 26,6% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 5,14%. GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 32,6%. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4,0 tỷ USD...
XUÂN SƠN