Ứng dụng DeepSeek trên điện thoại di động. Ảnh: Getty Images
Giới chức trách Hàn Quốc cho biết sẽ yêu cầu Công ty khởi nghiệp DeepSeek của Trung Quốc giải trình về cách họ quản lý thông tin cá nhân của người dùng.
Động thái này diễn ra sau khi DeepSeek ra mắt chatbot AI mới, làm dấy lên những lo ngại về bảo mật dữ liệu.
Một quan chức Ủy ban Bảo vệ thông tin cá nhân của Hàn Quốc cho biết cơ quan này sẽ gửi yêu cầu bằng văn bản để thu thập thông tin về cách DeepSeek xử lý dữ liệu cá nhân.
Không chỉ Hàn Quốc, nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ quan ngại về chatbot AI của DeepSeek. Ý đã mở cuộc điều tra về mô hình R1 và chặn công cụ này xử lý dữ liệu của người dùng Ý.
Cơ quan Bảo vệ dữ liệu Ý cũng đặt ra câu hỏi về thông tin được sử dụng để đào tạo hệ thống AI của DeepSeek, đặc biệt là khi dữ liệu được lấy từ Internet, cũng như cách thức người dùng được thông báo về quá trình xử lý dữ liệu của họ.
Tương tự, Cơ quan giám sát CNIL của Pháp cũng cho biết sẽ chất vấn DeepSeek về chatbot của họ để hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động và những rủi ro liên quan đến bảo vệ dữ liệu.
DeepSeek tuyên bố chatbot R1 của công ty này có năng lực tương đương với các công ty tiên phong về AI ở Mỹ, nhưng chi phí phát triển chỉ bằng một phần nhỏ so với đầu tư của các công ty Mỹ.
Thông tin này đã gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu của các "gã khổng lồ" công nghệ và làm dấy lên câu hỏi về hàng trăm tỉ USD đã được đầu tư vào AI trong những năm gần đây.
Theo DeepSeek, họ đã sử dụng chip H800 để cung cấp năng lượng cho mô hình học tập lớn của mình.
Các "đại gia" chip của Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK hynix là những nhà cung cấp chính các chip tiên tiến được sử dụng trong máy chủ AI. Những lo ngại về tác động của DeepSeek đã ảnh hưởng đến cổ phiếu ở Seoul, với cổ phiếu của Samsung giảm hơn 2% và cổ phiếu của SK hynix “bốc hơi” gần 12%.
* Các văn phòng Hạ nghị sĩ Mỹ được khuyến cáo không sử dụng ứng dụng AI của Công ty khởi nghiệp DeepSeek, viện dẫn quan ngại về nguy cơ phát tán phần mềm độc hại.
Trang tin tức Axios của Mỹ dẫn thông báo của Giám đốc Hành chính Hạ viện Mỹ (CAO) gửi đến các văn phòng nghị sĩ Hạ viện Mỹ nêu rõ: “Thời điểm hiện tại, CAO đang đánh giá mô hình AI giá rẻ của DeepSeek và mô hình này chưa được cấp phép sử dụng chính thức tại hạ viện”.
CAO cũng cảnh báo DeepSeek có thể bị kẻ xấu lợi dụng để phát tán phần mềm độc hại và lây nhiễm các thiết bị.
Thông báo có đoạn: "Nhằm hạn chế những mối nguy hiểm như vậy, Hạ viện Mỹ đã áp dụng các biện pháp an ninh như hạn chế hoạt động của DeepSeek trên tất cả các thiết bị do hạ viện cấp.
Các nhân viên bị cấm cài đặt ứng dụng AI của DeepSeek trên điện thoại, máy tính để bàn và máy tính bảng tại văn phòng".
Giới chức Hạ viện Mỹ chưa bình luận về thông tin trên. Tuần trước, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI của Trung Quốc là DeepSeek đã công bố mô hình AI "R1" có tính năng tương tự như ChatGPT - mô hình AI tạo sinh của công ty OpenAI.
Trong khi OpenAI và Meta phải mất hàng tỉ USD để phát triển mô hình AI của mình thì DeepSeek chỉ tốn 5,6 triệu USD.
Do không thể nhập chip bán dẫn đời mới đắt đỏ của NVIDIA, công ty khởi nghiệp của Trung Quốc phải thay thế bằng chip bán dẫn đời cũ giá rẻ.
Sự xuất hiện của ứng dụng này đã gây chấn động làng công nghệ toàn cầu trong những ngày gần đây và thậm chí còn tác động lên cả các cổ phiếu công nghệ của Mỹ.
Có một số ý kiến cho rằng mô hình AI giá rẻ của Trung Quốc có thể sẽ đe dọa sự thống trị của Mỹ trong ngành này. Ít nhất có hai hạ nghị sĩ Mỹ đang kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump xem xét các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip AI của Nvidia, do có thông tin cho rằng DeepSeek đang sử dụng các chip của Nvidia để phát triển công nghệ AI tiên tiến.
Hai nghị sĩ này là ông John Moolenaar của Đảng Cộng hòa và Raja Krishnamoorthi của Đảng Dân chủ. Cả hai đều là thành viên cấp cao của Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc.
Trong thư gửi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Waltz đề ngày 29/1, hai nghị sĩ đề nghị xem xét kiểm soát xuất khẩu chip H20 của Nvidia và các sản phẩm tương tự.
Chip H20 hiện không nằm trong danh mục kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Hai nghị sĩ Moolenaar và Krishnamoorthi lo ngại những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực AI, nhất là sau vụ DeepSeek ra mắt trợ lý AI miễn phí có hiệu suất cao nhưng với chi phí thấp, có thể ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực này.
Trong một thông báo, Nvidia khẳng định các sản phẩm của họ tuân thủ đầy đủ các quy định của Chính phủ Mỹ và công ty sẵn sàng hợp tác với chính quyền trong việc xây dựng chính sách AI phù hợp.
Trong khi đó, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ đang trong tiến trình rà soát theo chỉ đạo của Tổng thống Trump nhằm đánh giá hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Mỹ trước những diễn biến liên quan đến các đối thủ chiến lược.
T.LÊ (tổng hợp từ TXTVN/Vietnm+)