Theo India Today và NDTV, trong vài tuần qua, các ca COVID-19 đã tăng vọt ở Châu Á, đặc biệt là đặc khu Hồng Kông - Trung Quốc, Singapore và Thái Lan. Ấn Độ cũng vừa báo cáo số ca COVID-19 nhập viện gia tăng nhẹ.
"Theo thông tin sơ bộ hiện có, hầu hết các trường hợp đều nhẹ, không liên quan đến mức độ nghiêm trọng bất thường hoặc tử vong" - một quan chức y tế Ấn Độ nói với PTI.
Theo Bộ Y tế Singapore, ước tính số ca mắc COVID-19 trong tuần từ ngày 27-4 đến ngày 3-5 đã tăng lên 14.200 ca, so với 11.100 ca của tuần trước, số ca nhập viện trung bình hàng ngày tăng từ 102 lên 133, nhưng chỉ có 2 ca cần chăm sóc đặc biệt.
"Các bệnh viện hiện có khả năng xử lý được số ca bệnh gia tăng" - Bộ Y tế Singapore khẳng định.
Xét nghiệm COVID-19 tại Ấn Độ - Ảnh: PTI
Tại Thái Lan, số ca bệnh tăng lên 33.030 từ ngày 11-5 đến ngày 17-5, trong đó có ít nhất 6.000 ca ở Bangkok, theo Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan
Tương tự, tại Hồng Kông - Trung Quốc, tỉ lệ mắc COVID-19 trong các bệnh nhân nhập viện được xét nghiệm tăng từ 6,21% lên 13,66% từ ngày 6 đến ngày 12-4.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cũng báo cáo số ca tăng lên trong thời gian từ 31-3 đến 4-5.
Theo cơ quan y tế của Thái Lan, nguyên nhân của làn sóng mới này là XEC, một biến thể thuộc chủng Omicron. Trong khi đó biến thể JN.1 được cho là nguyên nhân chính gây ra làn sóng ở các nước khác, bao gồm Singapore ghi nhận 2 nhánh hậu duệ của JN.1 là LF.7 và NB.1.8.
Đáng chú ý, cả JN.1 và XEC đều không xa lạ, đã từng gây ra các làn sóng COVID-19 trên thế giới vào giữa và cuối năm 2024.
Bản đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với JN.1 và XEC đã được công bố lần lượt vào ngày 15-4-2024 và 9-12-2024, khi chúng nối nhau trở thành các biến chủng phổ biến nhất.
WHO tuyên bố rủi ro sức khỏe cộng đồng bổ sung mà JN.1 và XEC gây ra được đánh giá là thấp ở mức độ toàn cầu.
Theo WHO, mặc dù JN.1 và XEC sở hữu các lợi thế về kháng nguyên giúp thoát miễn dịch hạn chế và gây tái nhiễm cho một số trường hợp, các vắc-xin ngừa COVID-19 trước đó đều có thể tạo ra phản ứng miễn dịch đủ để chống lại bệnh nặng đối với 2 biến thể này.
Theo WHO, biến thể JN.1 được xác định lần đầu ngày 25-8-2023 và trở thành biến chủng phổ biến nhất ở 4 khu vực dịch tễ Tây Thái Bình Dương (khu vực có Việt Nam), Đông Nam Á, châu Âu và châu Mỹ theo thống kê đầu tháng 4-2024.
Trong khi đó, XEC là biến thể tái tổ hợp có nguồn gốc từ 2 dòng dõi con cháu của JN.1 là KS.1.1 và KP.3.3, được xác định lần đầu ngày 26-6-2024.
Theo thống kê vào tháng 11-2024, XEC là nguyên nhân gây ra sự gia tăng số ca COVID-19 ở Tây Thái Bình Dương, châu Âu và châu Mỹ vào thời điểm đó.
Anh Thư