Đồng chí Trần Cẩm Tú, Thường trực Ban Bí thư thăm, gặp gỡ người dân khi vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hải Châu.
Trong bối cảnh cả nước triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, thì việc tổ chức Đại hội lần thứ I Đảng bộ phường Hải Châu, nhiệm kỳ 2025–2030 mang ý nghĩa đặc biệt: khởi đầu cho một nhiệm kỳ mới – một địa bàn mới – với trọng trách mới. Nhân dịp này, phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với bà Cao Thị Huyền Trân - Bí thư Đảng ủy phường Hải Châu, người được Thành ủy tin tưởng giao nhiệm vụ “giữ lửa” trong giai đoạn bản lề nhiều kỳ vọng.
* P.V: Thưa bà, sau khi Đà Nẵng thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp và sắp xếp lại đơn vị hành chính, phường Hải Châu chính thức được thành lập. Bà có thể chia sẻ cảm xúc và những ưu tiên công việc trong những ngày đầu tiếp nhận nhiệm vụ mới?
- Bà Cao Thị Huyền Trân: Việc phường Hải Châu được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 phường trung tâm là một bước ngoặt lớn, đặt ra nhiều yêu cầu mới mẻ và thách thức chưa từng có. Với cá nhân tôi, đây là vinh dự nhưng cũng là trọng trách. Chúng tôi xác định rõ, những ngày đầu sau sáp nhập không chỉ là thời điểm khởi động bộ máy hành chính mới, mà còn là lúc phải tạo dựng niềm tin trong nhân dân bằng hành động cụ thể.
Từ ngày 1-7-2025, chúng tôi đã khẩn trương hoàn thiện tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự, vận hành hệ thống hành chính công. Điều đáng phấn khởi là dù khối lượng công việc rất lớn, cán bộ, công chức phường đã thể hiện tinh thần chủ động, làm việc ngày đêm để đảm bảo phục vụ người dân thông suốt. Điều đó tiếp thêm cho tôi niềm tin rất lớn: khi đội ngũ cùng quyết tâm, phường Hải Châu sẽ sớm ổn định và vươn lên mạnh mẽ.
* P.V: Vậy theo bà, đâu là sự thay đổi lớn nhất về quy mô công việc, tính chất nhiệm vụ sau khi phường được sáp nhập?
- Bà Cao Thị Huyền Trân: Sau sáp nhập, phường Hải Châu có quy mô rất lớn: diện tích 7,58km², dân số trên 131.000 người, 250 tổ chức đảng với gần 6.000 đảng viên. Phường được hình thành mới có quy mô lớn, dân số đông, tổ chức đảng và đảng viên lớn, khối lượng thông tin cần xử lý lớn hơn, yêu cầu từ công tác đảng, chính quyền đến đoàn thể đều sâu hơn, trực tiếp hơn. Trong bối cảnh chuyển đổi số, mỗi cán bộ phải tăng cường năng lực phân tích, phản ứng chính sách kịp thời. Đặc biệt, tôi vừa là Bí thư Đảng ủy, vừa giữ cương vị Chủ tịch HĐND phường - với nhiệm vụ kết nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân trong điều kiện chính quyền địa phương hai cấp. HĐND phường sẽ không chỉ giám sát mà còn đồng hành cùng UBND trong quá trình thực thi chính sách, bảo đảm quyền lợi sát sườn của người dân.
Bà Cao Thị Huyền Trân-Bí thư Đảng bộ phường Hải Châu.
* P.V: Với quy mô, vị thế đặc biệt như vậy, Đảng bộ phường đã chuẩn bị gì cho Đại hội lần thứ I – nhiệm kỳ 2025–2030?
- Bà Cao Thị Huyền Trân: Đại hội lần thứ I Đảng bộ phường Hải Châu là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt – không chỉ là sự khởi đầu nhiệm kỳ mà còn là kỳ Đại hội đầu tiên của một địa phương vừa được hợp nhất. Chúng tôi tổ chức Đại hội trong khí thế phấn khởi nhưng cũng rất trách nhiệm.
Dự thảo văn kiện Đại hội xác định rõ phương châm hành động: “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; đoàn kết, dân chủ, khơi dậy nội lực, sáng tạo, đổi mới phát triển; tập trung chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng phường thông minh, hiện đại”.
Chúng tôi cũng xác định rõ các nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030: phấn đấu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; thu ngân sách tăng 10%/năm; thu nhập bình quân người dân tăng 50–60%; bảo hiểm y tế toàn dân đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%; 90% tổ chức đảng, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
* P.V: Vậy đâu là định hướng và các nhóm giải pháp lớn trong nhiệm kỳ tới để hiện thực hóa các mục tiêu đó, thưa bà?
- Bà Cao Thị Huyền Trân: Trọng tâm trong nhiệm kỳ 2025–2030 là triển khai đồng bộ 3 đột phá chiến lược:
Thứ nhất, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị. Chúng tôi xác định rõ yêu cầu tinh gọn, hiệu lực - hiệu quả phải đi đôi với nâng cao chất lượng cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cơ sở: “làm được việc, bám sát địa bàn, hiểu dân - sát dân - vì dân”.
Thứ hai, phát triển kinh tế đô thị bền vững, đẩy mạnh kinh tế số - dịch vụ chất lượng cao, khuyến khích kinh tế ban đêm, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và phục vụ người dân. Phường cũng sẽ đầu tư hình thành các tuyến phố chuyên đề, không gian công cộng gắn với du lịch, văn hóa; xây dựng Hải Châu thành đô thị trung tâm xanh - sạch - thông minh.
Thứ ba, nâng cao chất lượng sống, chăm lo an sinh xã hội và phát triển văn hóa - giáo dục bền vững. Phường tiếp tục duy trì các giá trị truyền thống như Lễ hội Đình Làng Hải Châu, mô hình “Phường thân thiện môi trường”, song hành với phát triển giáo dục thông minh và các chương trình giảm nghèo bền vững.
Quyết tâm xây dựng Hải Châu thành đô thị hiện đại, thông minh xứng tầm trung tâm hành chính- chính trị- kinh tế- xã hội của TP Đà Nẵng.
* P.V: Bà có thể chia sẻ thêm về vai trò cá nhân mình trong tiến trình chuyển mình mạnh mẽ ấy?
- Bà Cao Thị Huyền Trân: Là người đứng đầu, tôi xác định vai trò của mình không chỉ là quản lý - điều hành mà còn là người truyền cảm hứng, là trung tâm kết nối giữa Đảng - chính quyền -nhân dân. Chúng tôi đang trong giai đoạn “vừa làm vừa hoàn thiện bộ máy”, nhưng điều may mắn là tập thể cán bộ, công chức của phường đều rất đoàn kết, chuyên nghiệp, sẵn sàng cống hiến.
Tôi cam kết cùng tập thể Đảng ủy, chính quyền cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội bằng những hành động thiết thực, rõ người – rõ việc – rõ thời gian – rõ trách nhiệm – rõ kết quả. Chúng tôi đặt sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả điều hành, để mỗi chủ trương chính sách đều thấm vào đời sống thực tế.
* P.V: Xin cảm ơn bà và chúc Đại hội Đảng bộ phường Hải Châu lần thứ I thành công tốt đẹp!
HẢI QUỲNH (thực hiện)