Ngày 22/1, sau 1 tuần nghị án kéo dài, TAND cấp cao tại TP.HCM tiến hành tuyên án phúc thẩm đối với bị cáo Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình (hai cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam) cùng 142 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm liên quan.
Bị cáo Trần Việt Hà (phải) tại phiên tòa.
Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình 17 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt Trần Kỳ Hình phải chịu là 22 năm tù (giảm 3 năm).
Còn bị cáo Đặng Việt Hà bị tuyên phạt 17 năm tù (giảm 2 năm) về tội “Nhận hối lộ”. Các bị cáo còn lại, HĐXX chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho 125/144 bị cáo; 12 bị cáo bị HĐXX bác kháng cáo.
Đánh giá về vai trò của các bị cáo trong vụ án, HĐXX xác định, bị cáo Trần Kỳ Hình với vai trò là Cục trưởng đã không thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát để các Phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm, Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm trên cả nước xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống trong suốt thời gian dài gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Đặng Việt Hà cũng bị tòa xác định vì vụ lợi cá nhân, khi phát hiện sai phạm, vẫn tiếp tục đưa ra các chủ trương, chỉ đạo cán bộ Phòng kiểm định xe cơ giới, các Trung tâm Đăng kiểm nhận hối lộ.
HĐXX nhận định, có đủ cơ sở để kết luận Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội danh và khung hình phạt là phù hợp, đúng với quy định của pháp luật. Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo không kháng cáo về tội danh, VKS không kháng nghị nên HĐXX không xem xét xét về phần tội danh.
Theo HĐXX, đây là vụ án xảy ra trên phạm vi cả nước, có hệ thống từ cấp lãnh đạo cao nhất đến các phòng ban, trung tâm đăng kiểm địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động quản lý trong lĩnh vực đăng kiểm, ảnh hưởng đến các chính sách pháp luật của Nhà nước, gây mất niềm tin của người dân.
Hành vi các bị cáo nhận hối lộ, bỏ qua các lỗi phương tiện giao thông, dẫn đến khả năng gây tai nạn, ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người dân khi tham gia giao thông. Các bị cáo được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về đăng kiểm, biết sai phạm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn thực hiện là xem thường kỷ cương, pháp luật nên cần xử phạt nghiêm khắc.
HĐXX tuyên án.
Trong quá trình làm việc, các bị cáo lợi dụng chức năng quản lý, nhiệm vụ được giao, trực tiếp hoặc gián tiếp nhận tiền hối lộ để bỏ qua các lỗi vi phạm, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm... Hàng loạt các tội phạm phát sinh khác do các bị cáo thực hiện cũng là nhằm hợp thức hóa việc nhận hối lộ.
Đối với kháng nghị của VKSND TP.HCM và kháng cáo xin giảm nhẹ của các bị cáo, HĐXX nhận thấy, đa phần các bị cáo đều bị áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội hai lần trở lên.
Đồng thời các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; chủ động nộp lại một phần hoặc toàn bộ số tiền thu lợi bất chính; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra; có nhiều thành tích trong công tác; gia đình có công với cách mạng; có nhiều thành tích trong phòng chống dịch Covid-19…
Khi xem xét, quyết định hình phạt, cấp sơ thẩm đã thực hiện tương đối phù hợp. Tuy nhiên, vẫn có một số bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với tính chất, mức độ thấp hơn nhưng bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử với mức hình phạt cao hơn là chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính công bằng và phân hóa tội phạm.
Bị cáo Trần Kỳ Hình.
Ngoài ra, trong quá trình xét xử phúc thẩm một số bị cáo bổ sung thêm nhiều tình tiết mới so với giai đoạn xét xử sơ thẩm nên HĐXX đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo, hậu quả, hành vi phạm tội gây ra, có cơ sở chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo có kháng cáo.
Minh Đức