Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN phát
Trong số 137 bị cáo, 2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam là Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình cùng 123 bị cáo khác được giảm án tù.
Tại phiên phúc thẩm, gần một nửa số bị cáo đã chủ động nộp thêm tiền đã hưởng lợi bất chính và trình bày thêm một số tình tiết giảm nhẹ mới, mong Hội đồng xét xử xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ mà bản thân và các luật sư đã cung cấp, cũng như xét đến những thành tích và các đóng góp của các bị cáo cho xã hội để giảm nhẹ hình phạt.
Theo Hội đồng xét xử, đại án đăng kiểm là vụ án tham nhũng, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn, mang tính hệ thống và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo là lãnh đạo Cục đăng kiểm Việt Nam; lãnh đạo các phòng, trung tâm, chi cục đăng kiểm trực thuộc, vì vụ lợi, động cơ cá nhân đã thống nhất chỉ đạo các đăng kiểm viên cấp dưới nhận tiền từ các chủ phương tiện để bỏ qua lỗi, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật...; móc nối với các doanh nghiệp, chủ phương tiện, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi pháp luật hình sự.
Đối với bị cáo Trần Kỳ Hình, Hội đồng xét xử nhận định, Hình đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, buông lỏng quản lý đối với chi cục đăng kiểm, trung tâm đăng kiểm để xảy ra sai phạm tiêu cực có hệ thống trong thời gian dài. Kết quả điều tra xác định, bị cáo Hình trong giai đoạn từ tháng 3/2019 đến tháng 7/2021 nhận hối lộ 1,68 tỷ đồng trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế. Ngoài ra, Hình còn nhận tiền hối lộ liên quan đến việc thành lập trung tâm đăng kiểm và nhận tiền hối lộ từ các trung tâm với tổng số tiền gần 5,5 tỷ đồng. Tổng số tiền Trần Kỳ Hình đã nhận là hơn 7,1 tỷ đồng.
Bị cáo Đặng Việt Hà (đeo kính) tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN phát
Còn với bị cáo Đặng Việt Hà, Hội đồng xét xử nhận định bị cáo đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, chỉ đạo phòng, ban, chi cục đăng kiểm, trung tâm đăng kiểm cả nước để nhận hối lộ, xảy ra sai phạm có hệ thống trong thời gian dài. Hà còn đưa ra chủ trương nâng mức hưởng lợi từ Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR), trung tâm đăng kiểm nhận được của người đưa hối lộ. Bị cáo Hà trong thời gian từ tháng 3/2019 đến tháng 7/2021 khi giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam đã nhận hối lộ từ các công ty thiết kế 320 triệu đồng. Từ tháng 8/2021 đến tháng 9/2022, khi giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hà đã nhận hối lộ 8,5 tỷ đồng trong việc thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhận từ Phòng Tàu sông và các chi cục đăng kiểm đường bộ, nhận từ các Trung tâm đăng kiểm khối V phía Bắc và các Trung tâm đăng kiểm khối V tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy vậy, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Kỳ Hình đã nộp bổ sung hơn 4 tỷ đồng (trước đó đã nộp hơn 2,8 tỷ đồng và 12.000 USD tiền hưởng lợi), qua đó đã nộp đủ số tiền hưởng lợi bất chính. Hình cũng nộp bổ sung các hồ sơ chứng minh gia đình có công với cách mạng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nhiều thành tích trong công tác, tham gia nhiều công tác xã hội...
Bị cáo Đặng Việt Hà cũng đã nộp đủ số tiền nhận hối lộ ở giai đoạn sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo nộp thêm số tiền hơn 5 tỷ đồng, bổ sung hồ sơ gia đình có công cách mạng, tham gia thiện nguyện, có đơn xin giảm nhẹ của cán bộ công chức Cục Đăng kiểm Việt Nam...
Từ đó, Hội đồng xét xử cho rằng có căn cứ để chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 2 bị cáo. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đặng Việt Hà 17 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, giảm 2 năm so với án sơ thẩm; tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình 22 năm tù về 2 tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, giảm 3 năm so với án sơ thẩm.
Đối với 135 bị cáo còn lại, Hội đồng xét xử bác kháng cáo của 12 bị cáo do nhận thấy bản án sơ thẩm đối với các bị cáo này là phù hợp, đúng người đúng tội; chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho 123 bị cáo. Bị cáo Trần Anh Quân, cựu Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) được giảm từ 14 năm tù xuống 13 năm tù giam về tội “Nhận hối lộ”.
Đồng thời, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị tăng hình phạt của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với 18 bị cáo gồm nhóm bị cáo thuộc trung tâm đăng kiểm do bị cáo Trần Lập Nghĩa thành lập cùng một số bị cáo khác.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN phát
Hội đồng xét xử nhận định, bản án cấp sơ thẩm đối với hầu hết các bị cáo đã được thực hiện tương đối phù hợp. Tuy nhiên, có một số bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với tính chất, mức độ thấp hơn nhưng bị tòa án cấp sơ thẩm xét xử với mức hình phạt cao hơn các bị cáo khác trong cùng vụ án là chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính công bằng và phân hóa tội phạm, đặc biệt đối với các bị cáo là cấp dưới có vai trò phụ thuộc. Ngoài ra, trong quá trình xét xử phúc thẩm, một số bị cáo bổ sung thêm nhiều tình tiết mới so với giai đoạn xét xử sơ thẩm nên Hội đồng xét xử có cơ sở chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo có kháng cáo.
Về số tiền hưởng lợi trong vụ án, cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã quy kết các bị cáo trong vụ án này nhận hối lộ của các trung tâm đăng kiểm theo quy ước chung, theo quy luật chung. Việc chung chi nhận hối lộ được thực hiện trong thời gian dài, dữ liệu vi phạm của các phương tiện đã được các bị cáo điều chỉnh. Vì vậy, cấp sơ thẩm xác định số tiền nhận hối lộ các bị cáo phải chịu trách nhiệm và số tiền hưởng lợi dựa trên theo quy ước chung, dựa trên lượt phương tiện kiểm định, thời gian làm việc của các bị cáo các trung tâm đăng kiểm là phù hợp.
Một số bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại số tiền thu lợi bất chính là không có cơ sở để chấp nhận. Một số bị cáo trong quá trình điều tra và xét xử có sai sót số tiền hưởng lợi song việc xác định lại số tiền thu lợi cũng không làm thay đổi khung hình phạt của các bị cáo.
Hồng Giang (TTXVN)