Việc 2 dự án nhà máy xử lý rác “giậm chân tại chỗ” đã ảnh hưởng đến việc phân loại, xử lý thu gom rác thải trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Nhiều năm nằm trên giấy
Dự án Nhà máy Xử lý chất thải rắn 650 tấn/ngày đêm (năm 2010) và Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm (năm 2017) tại Đà Nẵng triển khai qua nhiều năm, nhưng vẫn giậm chân tại chỗ, ảnh hưởng đến việc phân loại, xử lý, thu gom rác thải trên địa bàn; gây ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng đến chủ trương tạo nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Đó là đánh giá được Đoàn Giám sát HĐND TP. Đà Nẵng chỉ ra mới đây.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, đối với Dự án Nhà máy Xử lý chất thải rắn 650 tấn/ngày đêm, năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận điều chỉnh lần thứ 3. Sở cũng đã liên tiếp có công văn gửi Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam đôn đốc triển khai Dự án và lần gần nhất là vào ngày ngày 1/11/2024.
Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng năm 2025 vừa được HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thông qua tại Kỳ họp thứ 21, Đà Nẵng đặt mục tiêu đưa Dự án Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện công suất 650 tấn/ngày đêm vào vận hành trong quý III/2026 (dự kiến khởi công trong quý I/2025); thực hiện kêu gọi đầu tư và đưa Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm đi vào hoạt động vào năm 2027.
Được biết, nhà đầu tư đã nộp hồ sơ điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (điều chỉnh mục tiêu, quy mô và tiến độ triển khai thực hiện), nhưng hồ sơ này chưa đảm bảo thống nhất với nội dung phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Do đó, nhà đầu tư đang hoàn thiện lại hồ sơ theo quy định.
Vào ngày 8/11/2024, UBND TP. Đà Nẵng có công văn về ý kiến kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tình hình triển khai các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khánh Sơn. Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục khởi công xây dựng nhà máy trong quý I/2025 và cam kết đảm bảo tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý III/2026.
Đối với Dự án Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm, ngày 18/10/2024, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai các dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn và kết luận, dự án này thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
UBND TP. Đà Nẵng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan, tổng hợp, báo cáo, đề xuất cụ thể để Thành phố xem xét, quyết định đối với việc triển khai các thủ tục thực hiện dự án theo phương thức PPP.
Ông Phạm Nam Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, đối với Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn 650 tấn/ngày đêm, ngày 18/9/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy phép triển khai dự án. Theo giấy phép, dự kiến đến quý III/2026 sẽ đưa nhà máy này đi vào vận hành.
Về tiến độ, Dự án vẫn còn 6/9 nội dung chưa thực hiện xong, gồm: đánh giá tác động môi trường; hồ sơ thẩm định về thiết kế và thiết kế cơ sở; phòng cháy, chữa cháy; cấp phép xây dựng; cấp phép môi trường; vận hành thử nhà máy, xác định giá đầu vào để Thành phố “đặt hàng”.
Với Dự án Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm, theo ông Sơn, trong quá trình triển khai có vướng một số thủ tục. Quá trình thẩm tra, thẩm định Dự án cho thấy, báo cáo đánh giá khả thi của nhà đầu tư đề xuất không đạt.
Xuất phát từ nhu cầu xử lý rác trên địa bàn, TP. Đà Nẵng thống nhất đề xuất đầu tư Dự án theo hình thức PPP do cấp chính quyền triển khai. Trong đó, tháng 9/2025 hoàn thành sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư, tháng 2/2026 lựa chọn nhà đầu tư, tháng 3/2026 hợp đồng thương thảo xong với nhà đầu tư.
Dự kiến, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng tham gia các lĩnh vực chuyên môn về môi trường; Ban Quản lý hạ tầng đô thị là cơ quan lập hồ sơ tư vấn mời thầu; dự kiến quý III/2026 sẽ hoàn thành.
Xem xét trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan
Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, việc xây dựng 2 nhà máy xử lý rác là sự quan tâm chung của cả Thành phố. “Cả Thành phố lo an ninh môi trường. Đà Nẵng cũng đi sớm trong chủ trương xây dựng nhà máy rác, nhưng đã hơn 10 năm vẫn chưa có sản phẩm. Trong khi đó, nhiều địa phương khác đi sau, nhưng giờ dự án của họ đã đi vào vận hành, như Thừa Thiên Huế”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đang phối hợp với Ban Nội chính xem xét đánh giá trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên qua đến sự chậm trễ này. Ông Thắng đề nghị UBND Thành phố và các sở, ngành có liên quan thường xuyên bám sát chủ đầu tư, phối hợp để đưa Dự án Nhà máy đốt rác phát điện 650 tấn/ngày đêm thực hiện đúng tiến độ như cam kết.
Riêng đối với Dự án Nhà máy xử lý rác thải 1.000 tấn/ngày, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng đề nghị UBND Thành phố xác định, đây là công trình cấp bách cần tập trung đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, tập trung hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư (sơ tuyển) trước tháng 9/2025; lựa chọn công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại, đồng bộ.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo Thành phố đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành; đồng thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ Dự án. Phần việc của Thành phố cơ bản đã hoàn thành, việc còn lại là nhà đầu tư làm việc với bộ, ngành. Tuy nhiên, Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục phối hợp để sớm phê duyệt báo cáo. Trong năm 2025, Đà Nẵng sẽ đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các dự án đi vào hoạt động.
Linh Đan