Trụ sở Bảo hiểm xã hội huyện Ninh Giang đã được Bộ Tài chính điều chuyển về cho tỉnh, bàn giao cho huyện Ninh Giang quản lý, sử dụng làm trụ sở bộ phận "một cửa" huyện
Kết quả tích cực
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất điểm trường mầm non thôn Cao Duệ, tháng 5/2024, UBND xã Nhật Tân cũ, nay là xã Nhật Quang (Gia Lộc) đã tổ chức đấu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho nhân dân xây dựng nhà ở. Toàn bộ 290,3 m2 đất đã được địa phương đấu giá thành công với số tiền đấu giá gần 4,9 tỷ đồng. Đại diện lãnh đạo xã Nhật Quang cho biết sau khi địa phương đưa trường mầm non trung tâm xã đi vào hoạt động, điểm trường mầm non thôn Cao Duệ không còn được sử dụng. Sau nhiều năm bỏ không gây lãng phí, giữa năm 2024 hơn 290 m2 đất của điểm trường này đã được chuyển mục đích sử dụng, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Năm 2017, xã Hồng Đức (cũ) nay là xã Đức Phúc (Ninh Giang) chuyển trụ sở làm việc từ khu cũ ở thôn Đồng Lạc sang khu mới.
Toàn bộ trụ sở làm việc với gần 1.200 m2 cũng bị bỏ không từ đó. Sau nhiều năm tìm phương án sắp xếp lại, xử lý, tháng 6/2024, UBND tỉnh đã phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu nhà này.
Theo lãnh đạo xã Đức Phúc, hơn 1.200 m2 đất trên được quy hoạch, phân thành 5 lô để bán đấu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho nhân dân xây dựng nhà ở. Hiện 4 lô đã được đấu giá thành công với số tiền hơn 10 tỷ đồng, 1 lô với diện tích hơn 150 m2 tới đây tiếp tục đấu giá.
Việc các cấp, ngành chuyên môn của tỉnh tích cực rà soát, lập phương án xử lý, sắp xếp lại các cơ sở nhà đất dôi dư bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp địa phương có thêm nguồn thu ngân sách, phát huy hiệu quả đất đai.
Mới đây, trụ sở Kho bạc Nhà nước huyện Kim Thành (cũ) đã được Bộ Tài chính quyết định điều chuyển về UBND tỉnh, UBND tỉnh đã điều chuyển cho UBND huyện Kim Thành. Hiện trụ sở này được bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kim Thành quản lý, sử dụng.
Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kim Thành cho biết đơn vị mới thành lập hơn 3 năm nay. Do chưa có trụ sở làm việc, đơn vị phải nhờ một số phòng làm việc của các phòng, ban thuộc UBND huyện nên rất chật chội và bất tiện.
Trụ sở Kho bạc Nhà nước huyện Kim Thành đã được bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kim Thành quản lý, sử dụng
“Từ khi được giao quản lý, sử dụng lại trụ sở cũ của Kho bạc Nhà nước huyện, anh em trong cơ quan rất yên tâm, phấn khởi. Việc bố trí trụ sở dôi dư vào khai thác, sử dụng vừa tiết kiệm được nguồn lực đầu tư, vừa phát huy được hiệu quả của cơ sở vật chất hiện hữu”, ông Thanh nói.
Còn khó khăn
Để chống lãng phí, thời gian qua các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã rà soát toàn bộ các cơ sở nhà, đất do các cơ quan Trung ương và địa phương quản lý trên địa bàn. Qua rà soát, toàn tỉnh có 5.064 cơ sở thuộc diện sắp xếp lại, trong đó có 4.284 cơ sở do tỉnh quản lý, 780 cơ sở do các cơ quan Trung ương quản lý.
Trên cơ sở rà soát, Sở Tài chính đã chủ trì tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án tổng thể sắp xếp lại các cơ sở nhà đất; xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư. Tỉnh cũng đã thành lập ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Cơ quan thường trực - Sở Tài chính đã chủ trì phối hợp hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai, thực hiện phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý nhà, đất dôi dư. Hằng tháng tổng hợp kết quả, tiến độ thực hiện sắp xếp nhà, đất, những khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ.
UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức thực hiện… Tỉnh đã phối hợp các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh việc rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc các cơ quan Trung ương trên địa bàn; xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý.
Đến nay, đối với các cơ sở nhà, đất do tỉnh quản lý, tỉnh đã xử lý 122 cơ sở. Trong đó đã thực hiện điều chuyển 39 cơ sở nhà, đất; xử lý 53 cơ sở và một phần của 1 cơ sở; thu hồi 1 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng sử dụng đất 28 cơ sở.
UBND tỉnh cũng đã phê duyệt quyết định bán đối với 31 cơ sở; phê duyệt giá khởi điểm 12 cơ sở nhà, đất; đã tổ chức bán đấu giá 2 cơ sở ở huyện Gia Lộc và Ninh Giang; 10 cơ sở chưa tổ chức bán. Các cơ sở còn lại đang thuê tư vấn xác định giá.
Đối với các cơ sở nhà, đất do các cơ quan Trung ương quản lý, Bộ Tài chính đã chấp thuận phương án sắp xếp, xử lý 156 cơ sở. Sau khi được Bộ Tài chính chuyển giao, UBND tỉnh đã quyết định điều chuyển, chuyển giao 6 cơ sở nhà, đất (hiện UBND tỉnh đã phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá 2 cơ sở nhà, đất).
Mặc dù kết quả sắp xếp lại và xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, song quá trình triển khai các đơn vị, địa phương cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Đồng Kim, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết một trong những khó khăn là do vướng mắc về nguồn gốc đất. Một số cơ sở nhà, đất đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, kế hoạch nhà ở.
Một số địa phương chưa thật sự tích cực phối hợp, quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong việc hoàn thiện hồ sơ và lập phương án xử lý. Mặt khác, việc lựa chọn phương án sắp xếp tại các địa phương còn lúng túng, bị động, nhiều trường hợp đất có tranh chấp, sử dụng sai mục đích, hồ sơ nhà đất thiếu… nên khó khăn trong việc phê duyệt phương án.
Thời gian tới, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp hướng dẫn các đơn vị thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất; điều chỉnh thay đổi phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, bảo đảm phù hợp quy hoạch và nhu cầu thực tiễn địa phương.
HÀ VY