Nhiều hàng tre chắn sóng ở Hải Dương đã già cỗi, không được trồng dặm thường xuyên
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, đến thời điểm hiện tại, Hải Dương có khoảng 183 km đê từ cấp III trở lên và trên 18 km đê dưới cấp III đã được trồng tre chắn sóng.
Toàn tỉnh vẫn còn 20,7 km đê từ cấp III trở lên và 26,9 km đê dưới cấp III chưa được trồng tre chắn sóng.
Ngoài ra, theo đánh giá của các địa phương, cả tỉnh còn 18,8 km đê từ cấp III trở lên và 19,7 km đê dưới cấp III không thể trồng được tre chắn sóng do đê đi qua khu dân cư, một số vị trí đê nằm sát sông, khu vực trong bối có nhiều thùng ao...
Trong số các tuyến đê đã trồng được tre chắn sóng còn 65,5 km tre chắn sóng thuộc các tuyến đê từ cấp III trở lên và 9,2 km tre chắn sóng thuộc các tuyến đê dưới cấp III chưa phát huy tác dụng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm gần đây, nhiều vị trí tre chắn sóng đang trong tình trạng già cỗi, không được tỉa gốc, các hàng tre thưa không được trồng dặm thường xuyên, có vị trí tre bị đốt, chặt hạ, ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn của những tuyến đê khi mùa mưa bão đến.
Hiện nay, chế độ cho người giữ gìn, bảo vệ tre chắn sóng vẫn được thực hiện theo Quyết định số 3135/QĐ-UB ngày 28/10/1997 của UBND tỉnh quy định về cơ chế chính sách, quản lý, sử dụng đất trong hành lang bảo vệ đê phía sông và trồng tre chắn sóng bảo vệ đê. Theo đó, mỗi hộ, cá nhân ký hợp đồng giao khoán trồng tre chỉ giới hạn không quá 200 m dài dọc tuyến đê với thời hạn ký hợp đồng từ 7 - 10 năm.
Một số bụi tre chắn sóng ven đê hữu sông Kinh Môn đoạn qua thị trấn Phú Thái (Kim Thành) bị đốt
Khi thực hiện đúng hợp đồng, người nhận khoán được quyền sử dụng phần diện tích còn lại ngoài diện tích hàng tre đã chiếm chỗ để cấy lúa, trồng hoa màu ngắn ngày và hưởng lợi từ những cây trồng này mà không phải đóng góp cho Nhà nước. Khi tre phát triển tốt, đủ điều kiện khai thác, người nhận khoán được hưởng phần trăm lợi ích kinh tế của số tre cho khai thác.
Tuy nhiên, giá trị cây tre ngày càng giảm sút, chế độ không phù hợp khiến nhiều người không còn mặn mà với việc trông giữ, chăm sóc tre dẫn đến tình trạng bỏ bê hàng tre chắn sóng...
Tre chắn sóng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tuyến đê, nhất là trong mùa mưa lũ. Để tre chắn sóng phát huy tác dụng, tỉnh cần xem xét tính hợp lý, sự phù hợp và sửa đổi, bổ sung nội dung tại Quyết định 3135. Hằng năm, cần cấp kinh phí hỗ trợ mua phân bón, tu bổ, chăm sóc tre chắn sóng...
PV