Hải Dương kiện toàn cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ cấp xã sau sáp nhập

Hải Dương kiện toàn cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ cấp xã sau sáp nhập
3 giờ trướcBài gốc
Từ 1/11, đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Nam Sách được điều động đến công tác tại Đảng bộ xã Phú Điền (xã chuẩn bị sáp nhập với xã An Lâm), chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy và giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Điền, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Chủ động
Thực hiện sắp xếp 57 đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh Hải Dương dôi dư 255 cán bộ cấp xã. Trong tổng số cán bộ dôi dư, có 73 người nghỉ hưu, 56 người tinh giản biên chế, thôi việc, 126 người được bố trí công tác ở đơn vị khác.
Ngay từ đầu năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương đã có Hướng dẫn số 10-HD/BTCTU ngày 31/1/2024 về việc sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Hướng dẫn 10-HD/BTCTU nêu rõ kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ ở các đơn vị hành chính mới phải gắn với việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2025-2030 và các chức danh lãnh đạo ở địa phương nhiệm kỳ tới.
Để thực hiện yêu cầu trên, huyện Nam Sách đã có phương án kiện toàn, giới thiệu, sắp xếp nhân sự đối với 7 xã và 1 thị trấn thực hiện sáp nhập.
Hiện các xã chuẩn bị sáp nhập là Thanh Quang, Quốc Tuấn, Nam Trung và An Lâm có Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã. Sau sáp nhập, huyện sẽ không thực hiện mô hình này ở xã mới để thuận lợi và phát huy hiệu quả công tác cán bộ.
Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách đã điều động, bổ nhiệm một cán bộ ở huyện về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Điền nhiệm kỳ 2020-2025 để chủ động trong công tác cán bộ thời gian tới. Xã này chuẩn bị sáp nhập với xã An Lâm thành xã An Phú.
Đối với công chức dôi dư, Ban Tổ chức Huyện ủy Nam Sách cho biết sẽ chuyển về xã mới và tính toán phương án luân chuyển công chức từ xã, thị trấn còn dôi dư sau sáp nhập về các xã không thực hiện sắp xếp, sáp nhập đang thiếu công chức.
Tại huyện Cẩm Giàng, sau sắp xếp đơn vị hành chính sáp nhập 4 xã, thị trấn cũ thành 2 xã mới có 2 đồng chí Bí thư Đảng ủy, 1 đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy nghỉ hưu trước tuổi nên việc sắp xếp cán bộ chủ chốt rất chủ động, thuận lợi, bảo đảm số lượng.
Sau sáp nhập, huyện Cẩm Giàng sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức để cân đối số lượng trên toàn huyện, liên thông, luân chuyển giữa các xã.
Đồng chí Đoàn Đình Tuyến, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Cẩm Giàng cho biết huyện đã chủ động phương án bố trí, sắp xếp cán bộ cấp xã mới sau sáp nhập theo đúng hướng dẫn của Tỉnh ủy, nhất là với đội ngũ cán bộ chủ chốt của các xã, thị trấn. Đây là khâu rất quan trọng và được gắn chặt với công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các xã, thị trấn nhiệm kỳ 2025-2030.
Thuận lợi
Cán bộ, công chức Ban Tổ chức Huyện ủy Tứ Kỳ xây dựng phương án bố trí cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội ở xã mới sau sáp nhập
Ngày 18/11 vừa qua, Ban Tổ chức Huyện ủy Tứ Kỳ đã thông báo phương án cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội với 3 đơn vị cấp xã mới sau sắp xếp là xã Dân An, Lạc Phượng, Kỳ Sơn để Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện, Ban Thường vụ các đoàn thể chính trị-xã hội huyện thống nhất với Đảng ủy các xã liên quan thực hiện theo quy định. Có một số đồng chí được bố trí từ cấp trưởng xuống cấp phó; có đồng chí đảm nhiệm vai trò khác ở địa phương mới sau sắp xếp.
Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy Tứ Kỳ, việc lựa chọn cán bộ để sắp xếp, bố trí được thực hiện khách quan, công tâm, đánh giá đầy đủ năng lực, trình độ, trách nhiệm và quá trình cống hiến tại địa phương. Đồng chí Trần Đức Tiến, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Tứ Kỳ cho biết: "Cùng với việc đánh giá đúng cán bộ để tham mưu xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, huyện đã chú trọng làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, làm rõ cho người được sắp xếp hiểu rõ, đồng thuận."
Nhân sự bầu trưởng thôn, khu dân cư cũng được nhiều địa phương định hướng giới thiệu bầu làm Bí thư Chi bộ nhiệm kỳ tới. Trong ảnh: Bầu cử trưởng khu ở khu La Xuyên, thị trấn Nam Sách (thị trấn chuẩn bị sáp nhập xã Nam Hồng)
Huyện Ninh Giang cũng đang khẩn trương chuẩn bị để sáp nhập 8 xã, thị trấn thành 4 địa phương mới.
Theo đánh giá của lãnh đạo Huyện ủy Ninh Giang, giai đoạn này việc bố trí, chuẩn bị nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy ở các địa phương mới thuận lợi hơn so với thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy ở các địa phương được gắn chặt với công tác chuẩn bị nhân sự đại hội các Đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030. Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Giang đã thống nhất phương án dự kiến sắp xếp, bố trí nhân sự ở các địa phương mới và đang tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện.
Nhờ làm tốt công tác tư tưởng và chính sách cán bộ, ở Ninh Giang có 11 trường hợp xin nghỉ công tác sớm, trong đó có khá nhiều cán bộ chủ chốt ở các xã, thị trấn tự nguyện xin nghỉ, sẵn sàng đang từ vị trí trưởng xuống làm cấp phó, công chức chuyên môn để tạo thuận lợi cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ khi sáp nhập.
Dự kiến, số lượng lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, cấp ủy viên ở 4 địa phương mới ở Ninh Giang không cao hơn nhiều so với những đơn vị không thực hiện sáp nhập. Số lượng nhân sự tham gia ban thường vụ bảo đảm tối đa 5 người theo quy định.
Đồng chí Phạm Văn Khảnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ninh Giang cho biết: "Việc lựa chọn nhân sự làm cấp trưởng, tham gia ban thường vụ cấp ủy và lãnh đạo các địa phương được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực và uy tín; đồng thời có sự xen cài giữa các địa phương cũ để bảo đảm đoàn kết, thống nhất. Nhiều cán bộ, công chức chủ động, nhận thức đúng về năng lực, uy tín của bản thân nên công tác cán bộ thuận lợi, có sự đồng thuận cao".
PHONG TUYẾT
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/hai-duong-kien-toan-can-bo-gan-voi-chuan-bi-nhan-su-dai-hoi-dang-bo-cap-xa-sau-sap-nhap-398581.html