Hải Dương: Người dân mòn mỏi đợi cấp lại 'sổ đỏ' đất nông nghiệp

Hải Dương: Người dân mòn mỏi đợi cấp lại 'sổ đỏ' đất nông nghiệp
4 giờ trướcBài gốc
Bị thu hồi sổ đỏ đất nông nghiệp, hơn chục năm chưa được cấp lại
Tại thôn Đông Giàng và Khu dân cư số 1 (xã An Thượng, TP Hải Dương), nhiều hộ dân đang trải qua thời gian dài mòn mỏi chờ đợi việc cấp lại Giấy chứng nhận đất nông nghiệp (sổ đỏ).
Hàng chục năm trước, tại xã Thượng Đạt (huyện Nam Sách), nay là xã An Thượng, TP Hải Dương, thực hiện chủ trương dồn ô đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhiều hộ dân đã đổi đất cho nhau hoặc chuyển nhượng ruộng đất để đủ diện tích sản xuất. Nhưng do đất đai không được điều chỉnh kịp thời dẫn đến bị sai sót khi cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp. Sau đó, địa phương đã thu hồi lại để cấp mới cho người dân, nhưng hơn chục năm qua chưa được cấp lại.
Ông Đỗ Văn Khi, người dân xã An Thượng.
Ông Đỗ Văn Khi (56 tuổi), một trong những hộ dân thôn Đông Giàng đang chịu ảnh hưởng, cho biết, từ trước những năm 1996, gia đình ông đã dồn ô đổi thửa để làm mô hình trang trại, sau đó được cấp Giấy chứng nhận đất nông nghiệp. Một thời gian sau, UBND xã thông báo thu lại Giấy chứng nhận đất nông nghiệp để cấp mới và ông đã nộp lại cho trưởng thôn thời điểm đó. Tuy nhiên, hơn chục năm qua, vẫn chưa được cấp lại Giấy chứng nhận đất nông nghiệp.
Theo hồ sơ đất đai mà ông Đỗ Văn Khi còn lưu giữ, gia đình ông có 1512m2 nằm trong vùng quy hoạch chuyển đổi và đã xin chuyển đổi cây trồng. Ngoài ra ông còn ký hợp đồng thuê đất với UBND xã Thượng Đạt cũ và hợp đồng giao khoán với UBND xã An Thượng diện tích 1127m2 tại thôn Đông Giàng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích 1476m2 của hộ ông Đỗ Văn Hiên tại thôn Đông Giàng gồm đất trồng cây hàng năm và nuôi trồng thủy sản từ tháng 5/2010, đã được UBND xã Thượng Đạt cũ chứng thực.
Dù đã thực hiện nhiều thủ tục chuyển đổi cây trồng và thuê đất, nhưng đến nay, ông Đỗ Văn Khi vẫn phải sống trong lo lắng về quyền sử dụng đất khi chưa được cấp lại Giấy chứng nhận đất nông nghiệp.
“Hơn 10 năm qua, chúng tôi không hiểu vì sao mà các cơ quan chức năng không cấp lại sổ đỏ đất nông nghiệp cho người dân. Trong khi đất chúng tôi không hề tranh chấp. Tôi đã từng đặt vấn đề với các đời Chủ tịch xã cũ đến nay nhưng chỉ nhận được câu trả lời chung chung “từ từ đợi chúng tôi giải quyết””, ông Khi nói.
Một số hộ dân phản ánh việc hơn chục năm qua họ chưa được cấp lại Giấy chứng nhận đất nông nghiệp.
Theo ông Đỗ Văn Khi, gia đình ông đã làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đất nông nghiệp cùng với một số hộ dân nhưng đến nay, có hộ nhận được Giấy chứng nhận đất nông nghiệp, có hộ chưa nhận được, trong đó có ông.
“Hiện họ trả lời gia đình tôi còn một số vướng mắc. Theo thông báo của Chi cục Thuế TP Hải Dương gửi Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hải Dương về hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính có nêu các vướng mắc, trong đó có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là bản photo, nhưng bản chính đã bị thu hồi từ lâu”, ông Khi băn khoăn.
Tình trạng của ông Đỗ Văn Khi không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều hộ dân khác như ông Đỗ Văn Thêm và bà Đỗ Thị Nga, Nguyễn Thị Lâm, Nguyễn Văn Đường, Nguyễn Thị Du hay như ông Phùng Minh Đạt tại khu dân cư số 1 cũng đang gặp khó khăn tương tự.
Ông Đỗ Văn Thêm, thôn Đông Giàng, xã An Thượng cho biết, gia đình ông cũng rơi vào cảnh tương tự như gia đình ông Đỗ Xuân Khi. Từ những năm 2006, gia đình ông cũng bị thu lại Giấy chứng nhận đất nông nghiệp để cấp mới nhưng từ đó đến nay, dù 2 lần đo đạc, nhưng gia đình ông Thêm vẫn chưa có sổ đỏ dù các hộ xung quanh đã được cấp. “Khi lên xã hỏi, cán bộ địa chính đều nói sổ của tôi không còn trục trặc gì, không phải đi lại thêm nữa. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa được cấp lại”, ông Thêm nói.
Bà Đỗ Thị Nga trao đổi với PV.
Bà Đỗ Thị Nga (81 tuổi) trú tại thôn Đông Giàng, cho biết, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của gia đình bà cũng bị thu lại từ năm 2006 đến nay chưa cấp mới.
Ông Phùng Minh Đạt (SN 1952) người dân khu dân cư số 1 xã An Thượng, cho biết, trước đây, gia đình ông có tổng 2016 m2 đất nông nghiệp theo tiêu chuẩn. Năm 1995, gia đình ông làm hồ sơ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Nghị quyết của huyện Nam Sách cũ theo mô hình VAC. Sau này, khi xã Thượng Đạt sáp nhập vào Thành phố Hải Dương, mô hình này được công nhận trang trại kinh doanh tổng hợp.
“Khoảng trước năm 2008, ông Nguyễn Văn Bích khi đó là cán bộ địa chính đã yêu cầu gia đình tôi nộp toàn bộ Giấy chứng nhận đất nông nghiệp do UBND huyện Nam Sách trước đó cấp để thu lại và cấp sổ đỏ mới nên gia đình tin tưởng, giao lại giấy tờ. Tuy nhiên, nhiều năm qua chưa được cấp. Khi tôi hỏi, ông Bích địa chính hứa hẹn rất nhiều và nói sắp có sổ mới. Mới đây, sau khi ông Bích nghỉ hưu, tôi đến UBND xã An Thượng hỏi cán bộ địa chính tên Hiếu thì Giấy chứng nhận đất nông nghiệp cũ của tôi vẫn còn ở xã nhưng đã bị hết hạn”, ông Đạt nói.
Ông Phùng Minh Đạt và Giấy chứng nhận đất nông nghiệp hết hạn vừa lấy về từ UBND xã.
Cuộc sống gặp nhiều khó khăn
Việc chưa được cấp lại Giấy chứng nhận đất nông nghiệp đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống của người dân.
Ông Đỗ Văn Khi chia sẻ: “Tôi đang trồng bưởi, nhưng khi có đơn hàng từ siêu thị, họ yêu cầu nguồn gốc xuất xứ, trong khi tôi không có sổ đỏ để định vị vị trí đất”.
Bên cạnh đó, việc không có Giấy chứng nhận đất nông nghiệp cũng dễ dẫn đến tranh chấp trong gia đình. “Bây giờ con tôi hỏi ruộng con đâu thì tôi phải trả ruộng cho con, nhưng chưa có sổ thì không trả ruộng cho con được. Việc chưa được cấp sổ đỏ dễ dẫn đến mất tình cảm trong gia đình”, ông Khi nói.
Điều khiến ông Khi bức xúc, trong khi người dân chưa được cấp lại Giấy chứng nhận đất nông nghiệp bị thu lại từ lâu, ông đọc tin trên báo chí đăng trường hợp ông Nguyễn Văn Trường, nguyên Chủ tịch UBND xã Thượng Đạt (cũ) hiển nhiên xây nhà trên đất nuôi trồng thủy sản tại KDC số 1 xã An Thượng bây giờ nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Việc này khiến chúng tôi tủi thân. Chúng tôi phải mòn mỏi đợi sổ đỏ đến bao giờ trong khi cán bộ xã nay hứa, mai hứa…hứa đến bao giờ?”, ông Khi bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Lâm, người dân xã An Thượng cho biết, bà có 3 sào vườn khu chuyển đổi. Suốt thời gian qua, dù tuổi cao, sức yếu, chân tay run, bà vẫn tìm đến địa chính xã khi đó là ông Bích để hỏi nhưng vẫn không được cấp lại. “Mới đây, tôi đến xã gặp Chủ tịch UBND xã bày tỏ mong muốn được cấp lại sổ đỏ để chuyển nhượng cho chú em lấy tiền mua thuốc, nhưng xã chỉ bảo sẽ giải quyết sau”, bà Lâm nói.
Tương tự, bà Đỗ Thị Nga cho biết, gia đình bà có 2 người con đều được chia ruộng đất. “Giờ các con tôi hỏi: Mẹ cho ruộng con ở đâu mà không có sổ đỏ. Tôi đã nhiều lần lên xã hỏi sổ đỏ đất nông nghiệp và mong muốn tách sổ cho con. Năm nay tôi 81 tuổi, ốm đau bệnh tật biết sống được đến khi nào. Tôi đề nghị và mong muốn sớm nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để tôi chia cho các con”, bà Nga nói.
Ông Phùng Minh Đạt lại có băn khoăn khác. “Thời gian qua, xã An Thượng xảy ra nhiều vụ kiện tụng, tố cáo tranh chấp đất đai, gây nên cho chúng tôi nhiều phiền phức trong việc sử dụng đất do chưa được làm sổ đỏ đất nông nghiệp mới”, ông Đạt nói.
Theo tìm hiểu, hiện nay ở xã An Thượng còn hàng chục hộ dân chưa được cấp lại Giấy chứng nhận đất nông nghiệp. Các cơ quan chức năng cho biết, hiện nay những đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đất nông nghiệp của các hộ dân xã An Thượng vẫn đang được Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hải Dương giải quyết. Những khó khăn vướng mắc chủ yếu liên quan nghĩa vụ về thuế, hồ sơ cấp giấy chứng nhận đã nhiều lần bị cơ quan thuế trả lại yêu cầu bổ sung những sai sót.
Trao đổi với PV, đại diện UBND xã An Thượng cho biết, hiện một số hộ dân trên địa bàn xã chưa được cấp lại Giấy chứng nhận đất nông nghiệp do còn thiếu một số thủ tục. Mới đây, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thành phố Hải Dương đã chuyển 29 hồ sơ cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp của một số hộ dân để UBND xã hướng dẫn bổ sung hồ sơ. UBND xã An Thượng cũng đã mời các hộ dân để cán bộ địa chính xã hướng dẫn bổ sung các hồ sơ còn thiếu.
Được biết, hiện các cơ quan chức năng vẫn đang giải quyết những đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Tuy nhiên, những vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ thuế và sai sót trong hồ sơ vẫn đang là rào cản. Các hộ dân bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng sớm khắc phục những khó khăn này để họ có thể nhận lại sổ đỏ đất nông nghiệp, qua đó ổn định sản xuất và bảo đảm quyền lợi hợp pháp. Cấp lại giấy chứng nhận đất nông nghiệp là vấn đề cần được giải quyết gấp rút, không chỉ vì quyền lợi của người dân mà còn vì sự phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.
Mời độc giả xem thêm video Bắt giữ nhân viên của Văn phòng ĐKĐĐ nhận tiền để 'ra nhanh' sổ đỏ:
Hải Ninh
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/hai-duong-nguoi-dan-mon-moi-doi-cap-lai-so-do-dat-nong-nghiep-2039811.html