Hải Dương nhân rộng mô hình chiếu sáng công cộng thông minh

Hải Dương nhân rộng mô hình chiếu sáng công cộng thông minh
3 giờ trướcBài gốc
Hệ thống đèn chiếu sáng công cộng góp phần quan trọng bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông, làm đẹp đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ - thương mại, du lịch… cho các địa phương. Ảnh: CTV
Sử dụng hệ thống tiết kiệm điện
Khu đô thị EcoRiver ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) sử dụng 100% bóng đèn LED để chiếu sáng trên các tuyến đường và tại các điểm công cộng. Là khu đô thị với tiêu chí xanh nên những sản phẩm tiết kiệm điện mà vẫn bảo đảm độ sáng theo tiêu chuẩn được chủ đầu tư ưu tiên sử dụng.
"Buổi tối gia đình tôi thường đạp xe rèn luyện sức khỏe, đèn trong khu đô thị, kể cả đèn trong các công viên, vườn hoa đều được bật sáng nên chúng tôi rất yên tâm khi ra đường", anh Đoàn Văn Thịnh, nhà ở khu Vườn Đào vui vẻ nói. Toàn khu đô thị EcoRiver hiện có 1.200 bóng đèn LED tiết kiệm, hạn chế phát nhiệt và hệ thống điều khiển có cài đặt thời gian bật tắt theo giờ quy định.
Là đô thị trung tâm của tỉnh, TP Hải Dương có nhiều nhà hàng, khách sạn, siêu thị, khu vui chơi... kéo theo nhu cầu điện năng dùng cho hệ thống chiếu sáng công cộng và trang trí đường phố khá lớn. Để tiết kiệm điện chiếu sáng công cộng, từ năm 2017, TP Hải Dương từng bước thay thế dần các thiết bị điện cũ cùng các loại đèn cao áp hay đèn compact bằng các loại đèn LED tiết kiệm điện.
Đến nay, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên nhiều đường phố chính đã được thay thế bằng các loại đèn LED công nghệ mới có công suất từ 30-200W với khả năng tiết kiệm điện cao so với các loại đèn cũ. Trước đây, để tiết kiệm điện, sau 22 giờ đêm sẽ phải tắt bóng đèn xen kẽ, gây hạn chế tầm nhìn cho người đi đường. Nhưng với bóng đèn LED công nghệ mới, sau 22 giờ sẽ tự tiết giảm khoảng 40% ánh sáng so với lúc cao điểm và sau 24 giờ tiếp tục tự tiết giảm thêm 10-20%... Đến cuối năm 2024, toàn thành phố có khoảng 50% số đèn chiếu sáng công cộng được thay thế bằng đèn LED tiết kiệm điện.
Không chỉ các đô thị lớn, nhiều vùng nông thôn cũng lắp đặt hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện. Xóm Bãi, thôn Tân Lập, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) đang sử dụng hệ thống điện chiếu sáng đường liên thôn bằng năng lượng mặt trời do Đoàn Thanh niên Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương lắp tặng từ năm 2022. Hệ thống gồm 10 bóng đèn chạy bằng năng lượng mặt trời, có cảm biến tăng giảm ánh sáng, tắt bật tự động tạo thuận lợi khi sử dụng, không phải cắt cử người quản lý, đồng thời tiết kiệm được tiền điện hằng tháng. “Bóng đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời ở xóm Bãi đang hoạt động hiệu quả. Hệ thống đèn chiếu sáng giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, nguy cơ tai nạn giảm rõ rệt, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương”, ông Nguyễn Văn Khu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Lập cho biết.
Từ năm 2019, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương có chủ trương lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng bằng năng lượng mặt trời cho một số địa phương. Đến nay, cơ bản hệ thống vẫn phát huy được hiệu quả. Do được lắp đặt cảm biến, khi có người, xe đến gần, đèn sẽ bật sáng, còn lúc tĩnh lặng bóng điện sẽ chuyển về chế độ tiết kiệm (đèn sáng nhưng ở mức độ thấp hơn).
Trong điều kiện trời nắng, cần 5 giờ để các tấm pin mặt trời nạp đủ năng lượng. Khi trời âm u, ít nắng, việc tích trữ năng lượng sẽ kéo dài hơn. Nếu pin được sạc đầy, thời gian đèn chiếu sáng từ 8-12 giờ. Do đó về mùa đông, khả năng tích điện giảm nhưng vẫn đủ điện để phát sáng.
Hướng tới chiếu sáng thông minh
Khu đô thị EcoRiver phường Hải Tân (TP Hải Dương) sử dụng 100% bóng đèn LED để chiếu sáng trên các tuyến đường và tại các điểm công cộng
HĐND tỉnh vừa có nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư dự án cải tạo, chỉnh trang hệ thống điện chiếu sáng, chiếu sáng mỹ thuật, cây xanh, vỉa hè đại lộ Võ Nguyên Giáp, đường Trường Chinh trên địa bàn TP Hải Dương và huyện Gia Lộc. Theo kế hoạch, hệ thống đèn chiếu sáng ở các tuyến đường này sẽ được lắp đặt công nghệ đèn LED thông minh.
Hệ thống này được tích hợp tủ điều khiển thông minh cho phép quản lý, giám sát, điều khiển từ xa bằng phần mềm được cài đặt trên thiết bị di động, có thể kết nối với trung tâm điều khiển thông minh của các đơn vị quản lý chiếu sáng công cộng. Hệ thống đèn đường thông minh này còn có chức năng tích hợp đo đếm điện năng, cảnh báo khi xảy ra sự cố và hoạt động độc lập trong trường hợp mất kết nối.
Với các tiện ích này, các đơn vị quản lý, vận hành không cần trực tiếp đến hiện trường mà vẫn kiểm tra được các sự cố đèn bị hư hoặc ngưng hoạt động qua phần mềm đã được cài đặt, tích hợp trên thiết bị di động. Ngoài ra, còn giúp đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng tính toán được số điện năng tiêu thụ cũng như chi phí tiền điện của toàn hệ thống đèn đường mà không cần phải đo đếm qua công tơ điện như trước đây… Đây sẽ trở thành giải pháp chiếu sáng công cộng thông minh, nhất là đối với các đô thị đang hướng tới mục tiêu đô thị loại I.
Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi khi ứng dụng chiếu sáng thông minh, thì các địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc do chi phí đầu tư ban đầu cho việc lắp đặt các giải pháp chiếu sáng thông minh có thể khá cao, khó nhân rộng. Việc quản lý, bảo trì các hệ thống chiếu sáng thông minh đòi hỏi nguồn lực và sự cố gắng lớn của các địa phương.
Hiện nay ngoài TP Hải Dương, tại đa số các địa phương khác trong tỉnh, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng vẫn sử dụng nhiều chủng loại đèn với công nghệ cũ, kết cấu gá lắp đèn không đồng bộ, đặc biệt ở đường nhỏ, ngõ xóm chưa đồng bộ về chủng loại, chất lượng dẫn tới hiệu quả chiếu sáng, thẩm mĩ khác nhau.
Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, ô nhiễm ánh sáng như lạm dụng ánh sáng thiếu kiểm soát, ánh sáng trang trí quá mức… đang gây lãng phí điện năng.
Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này có rất nhiều việc phải làm, trong đó việc thay thế, sử dụng bóng đèn LED và hệ thống điều khiển công nghệ tiên tiến có thể giảm từ 40-50% điện năng tiêu thụ, giảm phát thải CO2, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0.
Vì vậy, ngoài các chương trình, kế hoạch của tỉnh, khi hướng đến mục tiêu xây dựng các đô thị thông minh, các địa phương, đặc biệt tại các đô thị lớn cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể để chuyển đổi hệ thống chiếu sáng công cộng sang sử dụng thiết bị tiết kiệm điện và thông minh. Ngoài nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách, các địa phương cần tăng cường kêu gọi xã hội hóa để lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh.
THANH HOA
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/hai-duong-nhan-rong-mo-hinh-chieu-sang-cong-cong-thong-minh-398919.html