Hải Dương: Quan tâm tôn tạo khuôn viên di tích cửu phẩm liên hoa bằng đá

Hải Dương: Quan tâm tôn tạo khuôn viên di tích cửu phẩm liên hoa bằng đá
3 giờ trướcBài gốc
Tháp cửu phẩm liên hoa chùa Khánh Quang đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào tháng 12/2002. Ảnh: TTXVN phát
Công trình độc đáo
Theo các tư liệu lịch sử ghi chép lại, chùa Khánh Quang (tên nôm là chùa Gạo) được khởi dựng thời Hậu Lê, cuối thế kỷ XVIII, do Già Lam Đặng Tiên Công, xuất gia Sa Di, tự Hải Thành, người ở thôn Đằng Lâm, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng xây dựng. Lúc đầu, ông chỉ là một người dân di cư sang mảnh đất Thiên Đông sinh sống, sau đó xuất gia đi tu, hiến toàn bộ đất và tài sản của mình để xây dựng nên ngôi chùa.
Thầy Thích Quảng Sơn, trụ trì chùa Khánh Quang cho biết, đây từng là ngôi chùa lớn trong vùng, thời điểm hưng thịnh, chùa có tới 144 gian. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu vào thời Nguyễn. Trong kháng chiến chống pháp, chùa là cơ sở cách mạng của chính quyền, nhân dân địa phương. Cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, chùa còn khá nhiều kiến trúc nghệ thuật. Năm 1978, chùa bị tháo dỡ lấy vật liệu xây các công trình phúc lợi của địa phương. Năm 1997, nhân dân địa phương xây dựng lại chùa gồm chùa chính kiến trúc chữ Đinh với 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung; Nhà tổ gồm 3 gian tiền và 2 gian hậu cung. Hội chùa Khánh Quang tổ chức vào ngày 26 và 27 tháng Giêng tưởng niệm ngày mất của Thánh tổ Non Đông - một cao tăng thời Trần theo thiền phái Trúc Lâm, sư tổ trị trì tại chùa Quang Khánh (chùa Muống).
Tương truyền, tháp cửu phẩm liên hoa ở chùa được khởi dựng từ thế kỷ 18, lúc đầu tháp dựng bằng chất liệu tre, nứa. Sau đó, do thời tiết, cây cửu phẩm bị mục nát. Sang thế kỷ 19, tháp được dựng lại bằng chất liệu đá và còn tồn tại đến ngày nay.
Đây là công trình kiến trúc điêu khắc độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao gồm bệ, thân tháp và chóp. Thân tháp gồm 9 tầng được đặt trên bậc tam cấp bằng đá khối ghép lại chắc chắn. Phân thân gồm 9 tầng tháp được tạo dựng theo phương thẳng đứng, mỗi tầng được ghép bằng 6 phiến đá tạo hình lục giác, chạm khắc hoa văn và chữ Hán. Nét chạm khắc hoa văn mềm mại, sống động, đạt trình độ nghệ thuật cao. Các nét chữ Hán rõ ràng, dễ đọc, mang ý nghĩa tôn giáo và tính giáo dục cao. Chóp có hình bầu nậm.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tháp cửu phẩm liên hoa có ở nhiều nơi, mỗi nơi một kích thước, chất liệu khác nhau, riêng cây tháp cửu phẩm bằng đá ở chùa Khánh Quang có độ tinh xảo, cân đối hiếm có. Nghiên cứu kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật công trình này giúp hiểu thêm về nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam, hiểu thêm về công lao của nhân dân trong việc xây dựng những công trình tôn giáo từ những thế kỷ trước. Với những giá trị đó, tháng 12/2002, tháp cửu phẩm liên hoa chùa Khánh Quang đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Cần thiết tu bổ, tôn tạo
Di tích cửu phẩm liên hoa hiện bị rêu mốc bám bề mặt, xuất hiện khe hở ở chân đế và góc, cạnh của các tầng tháp, sứt vỡ mất mảnh nhỏ tại các diềm mái. Ảnh: TTXVN phát
Đã hơn 20 năm kể từ thời điểm được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, hiện nay, di tích cửu phẩm liên hoa đang bị rêu mốc bám bề mặt, xuất hiện khe hở ở chân đế và góc, cạnh của các tầng tháp, sứt vỡ mất mảnh nhỏ tại các diềm mái. Nhân dân địa phương đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo, mở rộng khuôn viên di tích để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Thầy Thích Quảng Sơn bùi ngùi: Nhà chùa đã nhiều lần ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Việc tôn tạo di tích, mở rộng khuôn viên xung quanh di tích tháp cửu phẩm là mong mỏi của không chỉ riêng chúng tôi mà cũng đáp ứng nhu cầu thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Không gian được mở rộng sẽ tôn lên vẻ đẹp của di tích. Nhiều năm qua do khuôn viên chật chội nên gây khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động lễ hội.
Theo hồ sơ xếp hạng di tích và kết quả khảo sát thực tế, khu vực bảo vệ (vùng 1) có tổng diện tích 1.497m2. Những năm qua, với mong muốn mở rộng cảnh quan không gian cho di tích, chính quyền và nhân dân địa phương có nguyện vọng mở rộng khuôn viên về phần đất của 2 hộ dân liền kề nhưng chưa đạt thỏa thuận về kinh phí đền bù.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Kim Thành giao các phòng chuyên môn và Ủy ban nhân dân xã Kim Tân rà soát quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt; Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Kim Thành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng xã Kim Tân và chỉ tiêu diện tích đất tôn giáo được phân bổ để có cơ sở mở rộng, bổ sung khoanh vùng bảo vệ di tích.
Đối với việc tu bổ và tôn tạo di tích, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị huyện Kim Thành lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực khảo sát, đánh giá hiện trạng, lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích cửu phẩm liên hoa theo đúng trình tự quy định của các nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cũng đề nghị huyện Kim Thành cân đối, bố trí, xác định rõ phần vốn địa phương và đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư cho việc tu bổ, tôn tạo, mở rộng khuôn viên di tích cửu phẩm liên hoa, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cho ý kiến chỉ đạo để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Mạnh Minh (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/van-hoa/hai-duong-quan-tam-ton-tao-khuon-vien-di-tich-cuu-pham-lien-hoa-bang-da-20241002134043678.htm