Cụ thể, năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) của tỉnh Hải Dương ước đạt 387.871 tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch và tăng 14,8% so với năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14,2%.
Hoạt động sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Một số ngành có mức tăng cao, như: sản xuất thiết bị điện tăng 37,34%; ngành dệt tăng 25,36%; sắt, thép tăng 18,2%; chế biến thực phẩm tăng 14,6%; điện sản xuất tăng 8,9%... Bên cạnh đó, còn một số ngành gặp khó khăn do ảnh hưởng của thị trường như: lắp ráp ô tô tăng 0,9%; xi măng giảm 2,2%.
Giá trị sản xuất ngành xây dựng (giá so sánh năm 2010) ước đạt 24.371 tỷ đồng, đạt 99,4% kế hoạch năm và tăng 10,73% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ phát triển đa dạng, tổng giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) ước đạt 54.664 tỷ đồng, đạt 101,1% kế hoạch năm và tăng 8,0% so với năm 2023.
Trong đó, hoạt động thương mại duy trì sự ổn định, hàng hóa dịch vụ phong phú, đa dạng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân; giá cả các nhóm hàng hóa thiết yếu cơ bản ổn định, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá đột biến. Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, với các hình thức mới, hiệu quả. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 101.665 tỷ đồng, tăng 14,1%.
Hoạt động xuất nhập khẩu ổn định. Ước tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10,3 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2023; tổng kim ngạch nhập khẩu 8,3 tỷ USD, tăng 10,4%.
Hoạt động vận tải, kho bãi tiếp tục phát triển, tổng doanh thu ước đạt 16.190 tỷ đồng, tăng 14,9%. Hoạt động du lịch đạt nhiều kết quả tích cực, ước đón và phục vụ trên 2,5 triệu lượt khách, tăng 41,4%; doanh thu du lịch ước đạt 1.222,6 tỷ đồng, tăng 41,9%.
Trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao; chương trình khuyến công; sử dụng năng lượng tiết kiệm. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, thúc đẩy phục hồi chuỗi cung ứng, tạo năng lực sản xuất mới.
Đồng thời, theo dõi sát tình hình, nâng cao khả năng dự báo, cung cấp thông tin tín hiệu thị trường nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nắm bắt nhanh diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp.
Thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại và thương mại điện tử năm 2025. Tăng cường kết nối các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh tham gia các hội nghị giao thương, triển lãm, hội chợ quốc tế trực tuyến,... nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tập trung xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, các nhóm hàng chế biến nông sản thực phẩm và sản phẩm công nghiệp nông thôn, làng nghề, các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp khuyến khích và mở rộng tiêu dùng nội địa, nhất là các sản phẩm sản xuất trong tỉnh; vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Quỳnh Nga