Hải Dương thông qua 10 nghị quyết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Hải Dương thông qua 10 nghị quyết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
3 giờ trướcBài gốc
Ông Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu tại kỳ họp. Ảnh ST
Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, việc tổ chức kỳ họp chuyên đề nhằm kịp thời thảo luận, quyết nghị những nội dung quan trọng phải quyết định ngay theo quy định, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong khuôn khổ kỳ họp, HĐND tỉnh Hải Dương tiến hành xem xét các tờ trình, báo cáo thẩm tra và biểu quyết thông qua nghị quyết. Sau 1/2 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 27 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra, thông qua 10 nghị quyết trong đó có nhiều nội dung quan trọng.
Tại Kỳ họp thứ 27, HĐND tỉnh Hải Dương đã thông qua 10 nghị quyết về:
1. Sửa đổi nội dung tại các phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 29/10/2021 của HĐND tỉnh ban hành quy định về một số chế độ, mức chi cho hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Hải Dương, nhiệm kỳ 2021-2026
2. Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
3. Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, tỉnh Hải Dương
4. Phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 và điều chỉnh, phân bổ kế hoạch năm 2024 (nguồn ngân sách tỉnh)
5. Ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Hải Dương
6. Phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị (hệ thống màn Led và hệ thống thiết bị âm thanh hội trường) của Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương
7. Phê duyệt nội dung, nhiệm vụ chi duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều đối với hệ thống đê điều do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Hải Dương
8. Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hải Dương
9. Sửa đổi Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 06/11/2023 của HĐND tỉnh Hải Dương
10. Điều chỉnh dự toán kinh phí đã giao cho các đơn vị dự toán khối tỉnh năm 2024 và cấp bổ sung vốn ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương cũng nhấn mạnh 10 nghị quyết được thông qua là cơ sở pháp lý quan trọng để UBND tỉnh và các cấp, ngành chủ động thực hiện, trong đó một số nội dung cần triển khai ngay. UBND tỉnh chỉ đạo triển khai giải ngân đáp ứng yêu cầu Nghị quyết phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 và điều chỉnh, phân bổ kế hoạch năm 2024 (nguồn ngân sách tỉnh).
Quang cảnh kỳ họp thứ 27 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: ST
Kỳ họp cũng xem xét sửa đổi chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025.
Hiện nay nghị quyết HĐND tỉnh Hải Dương quy định diện tích tối đa hỗ trợ xây dựng nhà màng mỗi năm khiến còn nhiều hộ dân chưa được hỗ trợ. Sau bão số 3 (bão Yagi), nhiều diện tích nhà màng trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Do đó chính sách hỗ trợ cần được điều chỉnh ngay để giải quyết những bất cập trong thực tiễn và kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu khẳng định, các Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng chủ động, triển khai theo đúng quy định, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương đề nghị các đồng chí lãnh đạo, thành viên UBND tỉnh và các cơ quan liên quan tích cực, phối hợp chặt chẽ và thống nhất về nhận thức trong xây dựng, ban hành chính sách để đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân và yêu cầu phát triển của xã hội.
Lấy ví dụ về việc xây dựng chính sách hỗ trợ thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh, đồng chí Lê Văn Hiệu cho rằng giá nhà ở xã hội ở vùng sâu, vùng xa phải có giá thấp hơn nhà ở xã hội ở khu vực thành phố để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu. Đồng thời, cần quan tâm tạo điều kiện về nguồn vốn, chính sách lãi suất thấp nhất có thể để hỗ trợ cho người dân.
KHÁNH LINH
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/hai-duong-thong-qua-10-nghi-quyet-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-36331.html