Hải Dương trang trọng tổ chức lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo

Hải Dương trang trọng tổ chức lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo
một giờ trướcBài gốc
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại lễ giỗ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn
Dự lễ có các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng đông đảo nhân dân và du khách địa phương.
Nhân dân 2 làng Vạn Yên và Dược Sơn rước bộ từ đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu tụ về sân Nhà Bạc tại đền Kiếp Bạc
Từ sáng sớm nhân dân 2 làng Vạn Yên (tên tục là làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc) làm lễ rước bộ với cờ kiệu, lọng, bát bửu, lân rồng và cỗ lễ di chuyển từ đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu tụ về sân Nhà Bạc tại đền Kiếp Bạc, cùng các đại biểu, nhân dân địa phương và du khách thập phương thành kính dâng hương lên Đức Thánh Trần.
Hằng năm, ngày 20/8 âm lịch, nhân dân cả nước trẩy hội đền Kiếp Bạc, ngày giỗ của Hưng Đạo Vương đã trở thành Quốc lễ, đi vào tâm thức thiêng liêng của dân tộc.Mâm Xôi phía sau đền Kiếp Bạc
Sau nghi lễ này, các đoàn tiến về núi Mâm Xôi phía sau đền Kiếp Bạc làm Lễ giỗ, thành kính tưởng niệm Đức Thánh Trần. Các nhà sư cùng nhân dân và du khách trạng trọng thực hiện khóa lễ cúng Phật, Thánh và Hội đồng Trần triều, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, bão lũ mau tan, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tốt tươi, bệnh tật tiêu trừ.
Sau khi đất nước thanh bình, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến chọn Vạn Kiếp - nơi trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông là đại bản doanh của ông cùng tướng sĩ làm nơi sinh sống. Ngày 20/8 âm lịch năm Hưng Long thứ 8 (1300), Hưng Đạo Đại vương từ trần tại tư dinh Vạn Kiếp. Tương truyền, trước khi hóa Thánh, Hưng Đạo Vương lên núi Mâm Xôi, 1 trong 9 ngọn núi thuộc dãy núi Trán Rồng phía sau đền Kiếp Bạc để từ biệt con dân. Khi Hưng Đạo Vương hóa Thánh về trời, nhân dân làng Kiếp, làng Bạc tiếc thương đã mang xôi lễ và 100 nén hương lên núi Mâm Xôi thờ phụng.
Sau khi Hưng Đạo Vương từ trần, vua Trần phong tặng là Thái sư Thượng phụ, Thượng quốc công tiết chế, Nhân vũ Hưng Đạo Đại vương và cho lập đền thờ trên nền Vương phủ xưa (vị trí đền Kiếp Bạc ngày nay). Năm 1972, khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích nền nhà của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, minh chứng cho ghi chép của chính sử rằng đền thờ được xây dựng ngay trên nền nhà cũ của ông.
Kết thúc lễ giỗ Đức Thánh Trần, Ban Tổ chức lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc tiến hành phát túi lộc cho người dân và du khách.
Lễ giỗ Đức Thánh Trần được gọi là nghi thức hóa nhật - Thánh hóa Triều tiên, tiễn chân Thánh về trời.
Lễ giỗ Đức Thánh Trần là nghi lễ cuối cùng trong Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024. Đây cũng là ngày đóng cửa đền theo quan niệm dân gian. Lễ hội mùa thu năm nay diễn ra trong bối cảnh một số tỉnh phía Bắc, trong đó có Hải Dương đang nỗ lực khắc phục hậu quả của bão số 3. Vì vậy, các hoạt động trong lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng phong tục cổ truyền, song ngắn gọn. Đã có 2 hoạt động tại lễ hội năm nay không diễn ra gồm Lễ hội quân trên sông Lục Đầu, Chương trình Famtrip và Tọa đàm “Côn Sơn - Kiếp Bạc hành trình kết nối di sản”.
Trong khuôn khổ lễ hội, đã diễn ra Lễ tưởng niệm 582 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; trao giải Cuộc thi hướng dẫn viên du lịch giỏi; Tuần Văn hóa, Du lịch và Xúc tiến thương mại; trưng bày di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương; diễn xướng hầu Thánh...
Theo đánh giá của Ban tổ chức, do ảnh hưởng của thời tiết, lượng khách đến 2 di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc giảm so với lễ hội mùa thu năm 2023. Tuy vậy, Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 diễn ra trang trọng, chu đáo, an toàn, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân và du khách địa phương. Việc tổ chức thành công lễ hội mùa thu năm nay có ý nghĩa quan trọng khi hồ sơ do Hải Dương cùng các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang đang được UNESCO xem xét công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành di sản thế giới.
* Trước đó, ngày 20/9 (18/8 âm lịch), Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Kinh Môn tổ chức dâng hương tưởng niệm 724 năm ngày mất Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Năm nay, do ảnh hưởng của bão lũ, lễ dâng hương được tổ chức ngắn gọn nhưng vẫn trang nghiêm theo nghi thức truyền thống. Các đại biểu, nhân dân đã dâng hương tại di tích Đền Cao, tượng đài Trần Hưng Đạo, thực hiện khóa lễ cúng Phật, Thánh và Hội đồng Trần triều.
Nhiều du khách về di tích đền Cao, dâng hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo
Đền Cao An Phụ là nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu, người có công sinh thành, dưỡng dục Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trở thành vị Anh hùng dân tộc văn võ song toàn. Đây cũng là nơi đặt tượng đài Trần Hưng Đạo. Hằng năm, hòa trong không khí Lễ hội mùa thu Côn sơn - Kiếp Bạc, để tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Thánh Trần, thị xã Kinh Môn thường tổ chức nghi lễ tưởng niệm ngày mất của ngài vào đúng ngày 20/8 (tương truyền là ngày Hưng Đạo vương hóa Thánh về trời).
TIẾN HUY - TUẤN ANH
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/hai-duong-trang-trong-to-chuc-le-gio-anh-hung-dan-toc-tran-hung-dao-393726.html