Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương, năm 2024, tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến động tình hình trong nước, quốc tế và ảnh hưởng của thiên tai, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh, Hải Dương đạt nhiều kết quả nổi bật, toàn diện.
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ 22 (khóa XVII).
Vượt mục tiêu tăng trưởng
Năm 2024, Hải Dương dự kiến đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đã đề ra. Trong đó, nổi bật là tăng trưởng kinh tế đạt cao, ước tăng 10,2% (vượt mục tiêu tăng trên 9%), đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; quy mô tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt trên 211.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,13 lần so với năm trước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.
Thu ngân sách năm 2024 của tỉnh tăng đột phá, cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 28.813 tỷ đồng (vượt 46,7% dự toán), tăng 28,5% so với năm 2023. Sản xuất công nghiệp tăng 14,6%.
Trong năm 2024, Hải Dương đã tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là công trình giao thông trọng điểm, quan trọng kết nối liên vùng hoàn thành mở rộng không gian phát triển mới.
Trong năm 2024, Hải Dương đã tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là công trình giao thông trọng điểm, quan trọng kết nối liên vùng hoàn thành mở rộng không gian phát triển mới. Thị xã Kinh Môn được công nhận đô thị loại III.
Môi trường đầu tư kinh doanh được quyết liệt cải thiện với các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn. Về an sinh xã hội, tỉnh Hải Dương đã kịp thời ban hành số lượng lớn chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi). Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục tiếp tục duy trì thành tích cao, đứng top đầu các tỉnh, thành trong cả nước…
2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
Dự kiến năm 2024, số doanh nghiệp mới thành lập trên địa bàn tỉnh tăng 6,2% so với năm trước, tuy nhiên vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra là 15%. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại một số cơ sở y tế còn thiếu, xuống cấp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin thiết yếu chưa đồng bộ.
Ngoài ra, vẫn còn công trình, dự án dừng thi công, chậm tiến độ, sử dụng đất chưa hiệu quả... Việc thu hút đầu tư dự án nhà máy xử lý rác tập trung còn chậm, kế hoạch đầu tư công phải điều chỉnh nhiều lần. Một số nội dung khó khăn, vướng mắc được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm...
Tỉnh Hải Dương đã kịp thời ban hành số lượng lớn chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đánh giá những hạn chế, yếu kém do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, một số sở, ban, ngành, địa phương chưa thường xuyên đôn đốc, chưa có những biện pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng chậm trễ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, sâu sát trong triển khai thực hiện. Việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, phân công, điều hành ở một số nơi, một số công việc và một số khâu còn chưa hợp lý, khoa học…
Trên cơ sở dự báo và căn cứ vào các mục tiêu, chỉ tiêu giai đoạn 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhất trí với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt trên 10% và những mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 như Ban cán sự đảng UBND tỉnh đề xuất.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, có tính quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ của cả giai đoạn và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Mục tiêu tăng tốc, bứt phá, về đích, lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phấn đấu đạt và vượt 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2025 gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, trong đó có 7 chỉ tiêu về kinh tế; 6 chỉ tiêu về xã hội và 2 chỉ tiêu về môi trường.
Năm 2025, Hải Dương sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, phát triển nhà ở đô thị, nhà ở xã hội…
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là tổ chức rà soát, lập và điều chỉnh các quy hoạch; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực cải cách hành chính, quy hoạch, đầu tư, chuyển đổi số.
Tiếp tục rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ, không gây lãng phí. Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, phát triển nhà ở đô thị, nhà ở xã hội.
Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới giáo dục và đào tạo phù hợp; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người cao tuổi, người nghèo. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, y tế tư nhân...
Đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính theo thẩm quyền. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Chủ động thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chủ trương chỉ đạo của Trung ương bảo đảm “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”…
11 tháng, Hải Dương giải ngân được hơn 5.450 tỷ đồng
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh tỉnh Hải Dương, trong tháng 11/2024, toàn tỉnh giải ngân được 1.190 tỷ đồng, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó cấp tỉnh đạt 735 tỷ đồng, tăng 56,4%; cấp huyện 415 tỷ đồng, tăng 35,1%; cấp xã 40 tỷ đồng, tăng 8,2%. Đây cũng là tháng có mức giải ngân vốn đầu tư công tăng cao nhất từ đầu năm đến nay.
Theo lý giải của Cục Thống kê tỉnh tỉnh Hải Dương, hiện một số dự án công trình, dự án có tổng mức đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn trải thảm nhựa mặt đường nên giá trị đạt cao; một số dự án thực hiện giải ngân nguồn vốn đền bù giải phóng mặt bằng…
Trong đó, một số công trình, dự án có vốn đầu tư thực hiện cao trong tháng phải kể đến như Dự án Xây dựng cầu Vượt sông Kinh Môn và đường dẫn nối nút giao lập thể với quốc lộ 5; Dự án Đầu tư xây dựng đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (1/2 tuyến bên trái từ ngã ba An Lĩnh đến ngã ba Đầu Rồng); Dự án Đầu tư xây dựng đường trục Đông - Tây tỉnh Hải Dương; Dự án Xây dựng đường dẫn cầu Cậy mới và đường 33m kéo dài (qua địa phận huyện Cẩm Giàng) nối với đường Vũ Công Đán (thành phố Hải Dương)…
Tính chung 11 tháng đầu năm 2024, Hải Dương đã giải ngân 5.455,6 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch năm, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó cấp tỉnh đạt 3.412,9 tỷ đồng, chiếm 62,6% tổng vốn đầu tư, tăng 24,2%; cấp huyện 1.813,6 tỷ đồng, chiếm 33,2% tổng vốn đầu tư, giảm 11%; cấp xã 228,1 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng vốn đầu tư, giảm 28,2%.
Lâm Hòa