Các cuộc đàm phán Nga – Mỹ khiến nhiều người kỳ vọng về khả năng bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước. Tuần trước, Steve Witkoff, đặc phái viên Nhà Trắng, thông báo Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga sau khi các bên đạt được lệnh ngừng bắn tại Ukraine.
Lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga nhiều hơn tổng 6 nước bị trừng phạt cộng lại, bao gồm Iran, Syria, Triều Tiên, Belarus, Myanmar và Venezuela. Riêng Mỹ áp đặt gần 6.500 lệnh trừng phạt Nga từ tháng 2/2022. Một số lệnh trừng phạt nhắm vào các ngành công nghiệp và thể chế của Nga như năng lượng, vũ khí và tài chính. Nga không thể tiếp cận công nghệ, thị trường phương Tây và thanh toán bằng USD. Đây là những lệnh trừng phạt mà Điện Kremlin muốn hủy bỏ.
Dù Mỹ có thể muốn nới lỏng, nhưng ở châu Âu, viễn cảnh này vẫn còn còn xa vời. Nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt, có khả năng châu Âu sẽ quyết định giữ nguyên. Một số chuyên gia địa chính trị cho rằng điều đó không quan trọng lắm. Họ nói rằng việc tiếp cận công nghệ, tiền tệ và mạng lưới thanh toán của Mỹ mới là điều mà Nga thực sự muốn. Nhưng theo phân tích của tờ The Economist, nếu châu Âu tiếp tục cấm vận, thương mại, quyền tiếp cận hệ thống thanh toán và đầu tư nước ngoài của Nga sẽ vẫn bị hạn chế nghiêm trọng.
Thương mại
Việc chấm dứt lệnh trừng phạt của Mỹ có thể khôi phục hoạt động thương mại song phương, vốn đã giảm 90% từ 2021 đến 2024. Tuy nhiên, ngay cả trước xung đột, kim ngạch thương mại Nga – Mỹ chỉ đạt 35 tỷ USD, ít hơn nhiều so với con số 305 tỷ USD giữa Nga và EU.
Kinh tế Nga có thể hy vọng nhiều hơn từ việc chấm dứt lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu năng lượng, vốn là nguồn thu chính của Moscow. Các lệnh trừng phạt nhắm tới các tàu chở dầu, công ty bảo hiểm, hãng vận chuyển và ngân hàng liên quan đến hoạt động xuất khẩu dầu khí Nga.
Tuy nhiên, Nga vẫn tìm ra cách xuất khẩu dầu giữa “bão” trừng phạt. Xuất khẩu dầu Nga phục hồi lên 3,5 triệu thùng/ngày sau khi giảm vào tháng 1, cao hơn so với năm 2021. Vì vậy, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ không mang lại động lực lớn đối với kinh tế Nga.
Đối với khí đốt tự nhiên, trước xung đột, châu Âu là khách hàng lớn nhất của Nga. Tuy nhiên, EU đang hướng tới mục tiêu loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu Nga khỏi cơ cấu năng lượng của khối vào năm 2027. Vì vậy, dù Nga có thể muốn nối lại xuất khẩu sang châu Âu nhưng quyết định mua hay không vẫn tùy thuộc vào EU.
Thanh toán quốc tế
Lĩnh vực thứ hai mà Nga hy vọng sẽ thấy tiến triển là thanh toán quốc tế. Mỹ và phương Tây đã loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT và mạng lưới ngân hàng của họ. Các biện pháp trừng phạt đã gây khó khăn trong thanh toán giữa Nga và các đối tác, làm suy yếu đồng ruble và ngăn ngân hàng trung ương Nga tiếp cận 274 tỷ euro tài sản lưu giữ tại phương Tây.
Nếu lệnh trừng phạt của Mỹ chấm dứt, những trở ngại ấy sẽ giảm bớt nhưng không biến mất. Hầu hết tài sản của ngân hàng trung ương Nga đều ở châu Âu và có lẽ sẽ vẫn bị phong tỏa. Các ngân hàng Nga vẫn tiếp tục không thể kết nối với SWIFT (có trụ sở tại Bỉ). Nga cũng có thể gặp khó khăn trong việc nhận USD nếu các ngân hàng Mỹ ngần ngại thanh toán do lệnh trừng phạt của châu Âu.
Gần đây, FT đưa tin một số doanh nghiệp dịch vụ dầu mỏ đang để mắt tới việc quay trở lại Nga. Tuy nhiên, đa số nhà đầu tư vẫn cảnh giác ngay cả khi lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ bởi các lệnh trừng phạt có thể quay trở bất kỳ lúc nào. Nhiều nhà đầu tư đã mất tài sản ở Nga và có thể lại bị Moscow tịch thu nếu quay lại.
Việc nới lỏng lệnh trừng phạt của Mỹ có thể không giúp kinh tế Nga “lột xác” mạnh mẽ. Châu Âu có thể trừng phạt các ngân hàng nước ngoài tham gia vào hoạt động chuyển tiền liên quan đến Nga tại châu Âu bởi nhiều giao dịch không phải của châu Âu được thực hiện thông qua Dublin, Frankfurt hoặc London.
Châu Âu có thể xóa bỏ giá trần đối với dầu Nga nhưng cấm các công ty vận chuyển trong khối tham gia vào hoạt động bán hàng cho Nga. Châu Âu cũng có thể cấm các tàu từng chở dầu Nga cập cảng của họ.
Vì vậy, tờ Economist kết luận rằng, đối với nền kinh tế Nga, châu Âu luôn quan trọng hơn Mỹ. Theo cách nói của ông Trump, điều đó có nghĩa là châu Âu có những lá bài tốt và họ có thể sử dụng chúng trong trường hợp họ bị phớt lờ hoặc đe dọa.
Linh Phong/Economist