Chấp nhận thất bại
“Nhưng lỡ như tôi ngã gục?”
Bạn biết cảm giác bứt rứt đó chứ - mỗi lần làm sai điều gì hoặc không đuổi kịp người khác. Cảm giác đó đến từ đâu vậy?
Nhiều người đã được dạy từ bé rằng thực hành là cách học tốt nhất. Tuy nhiên, mỗi khi ta làm sai - điều mà chắc chắn ai cũng trải qua - chúng ta thường bị chỉ trích, làm nhục, và chế nhạo. Chẳng lạ gì việc chúng ta sợ hãi thất bại, chăm chăm vào sự cầu toàn, và kiềm nén không bộc lộ tiềm năng.
Tôi đã vượt qua nỗi sợ thất bại bằng tư cách tự nhủ rằng cuộc đời và công việc vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm. Điều này cho phép tôi thử điều mới, lắng nghe cảm xúc của mình, và vừa đi vừa điều chỉnh. Tôi không trói buộc mình trong nỗi căng thẳng rằng phải luôn “đúng”, tôi cho phép mình học hỏi, phạm sai lầm, và ngã ở đâu đứng dậy ở đó.
Ảnh minh họa. Nguồn: Lennard Schubert/Pexels.
Vậy nên lần tiếp theo bạn nhủ trong đầu rằng: Lỡ như tôi thất bại?, hãy đổi câu hỏi thành: Tôi có sẵn sàng thất bại? Và nếu có: Tôi sẽ đối mặt với nó như thế nào?
Luôn có hai cách để phản ứng:
1. Gán thật bại thành một phần giá trị của bản thân mình (không có ích lắm)
2. Xem nó như một phần cực kỳ bình thường của mọi quá trình (có ích hơn nhiều)
Hãy nhớ rằng: tìm ra thứ dẫn đến thất bại chính là tiến một bước gần hơn đến thành công. Vì thế, hãy trân trọng những nước đi sai giống như cách bạn ăn mừng thành côg vậy.
Đến lúc để trở nên can đảm rồi. Hôm nay bạn sẵn sàng đón nhận những thất bại nho nhỏ nào?
Đừng nuôi dưỡng nỗi sợ hãi
Tôi rất muốn được đối chất với bất cứ ai đã khởi đi lời đồn rằng, muốn theo đuổi ước mơ thì phải không được sợ hãi gì cả. Người không biết sợ hãi chỉ tồn tại trong thần thoại. Lý lẽ đó là thứ đang cản đường bạn. Một mục tiêu không cần thiết và không thể đạt được.
Lý do là như thế này: nỗi sợ không phải là kẻ thù của bạn. Nỗi sợ không phải là thứ bạn cần phải đấu đá và “chiến thắng”. Sợ hãi là một cơ chế đã được lập trình trong cơ chế chúng ta hàng triệu năm trước. Sự thật là, nỗi sợ là cần thiết.
Nhờ biết sợ mà chúng ta không đi xe cùng người lạ, hay nhảy xuống vách núi để thử xem có đáp xuống an toàn được không. Nỗi sợ mách chúng ta rằng, “Ý tưởng đó tồi lắm. Nguy hiểm lắm. Đừng làm.” Nỗi sợ đó rất hữu ích.
Tuy nhiên, cũng có lúc nỗi sợ ít hữu ích hơn. Đó là những lúc nỗi sợ đọc nhầm những việc ý nghĩa, quan trọng và chân thật, thành xa lạ và có khả năng gây hại.
Lấy ví dụ như khi chấp bút tác phẩm đầu tiên, tôi rất sợ cách viết nhạy cảm của mình sẽ bị lên án. Nỗi sợ luôn hét lên rằng, “ĐỪNG HÒNG VIẾT CÂU TIẾP THEO. Mi sẽ chết. Mi sẽ bị phán xét thậm tệ.”
Thay vì xem nỗi sợ như dấu hiệu của một việc không nên làm, hay một hướng đi sai, hay một cảnh báo rằng tôi cần phải tạm dừng mọi thứ và trở nên thận trọng hơn, tôi học cách xem nỗi sợ như một dấu chỉ. Có sợ nghĩa là “tôi có quan tâm”.
Amber Rae/NXB Trẻ