Hai mô hình phân cấp địa phương quản lý quốc lộ

Hai mô hình phân cấp địa phương quản lý quốc lộ
3 giờ trướcBài gốc
Nâng cấp bằng ngân sách địa phương
Gần đây, di chuyển trên tuyến quốc lộ 80 đoạn từ Kiên Lương đến Hà Tiên (Kiên Giang), người dân và người tham gia giao thông rất phấn khởi khi thoát được cảnh đường xuống cấp, bụi mù mịt, đầy "ổ gà", "ổ voi".
Việc phân cấp quản lý quốc lộ sẽ giúp các địa phương chủ động hơn đầu tư dự án bảo trì, nâng cấp hệ thống giao thông. Ảnh minh họa: Tạ Hải.
Trước đó, cuối năm 2022, tỉnh Kiên Giang đã trích ngân sách 300 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa, mở rộng 15km đoạn hư hỏng nặng nhất. Sau khi hoàn thành, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân dễ dàng hơn, khách du lịch đến với Kiên Giang cũng nhiều hơn.
Theo quy định Luật Ngân sách, việc đầu tư, nâng cấp quốc lộ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương và do Bộ GTVT quản lý, bố trí vốn. Địa phương không được sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư quốc lộ, cao tốc do Trung ương quản lý.
Trong bối cảnh ngân sách Trung ương còn khó khăn, nguồn vốn dành cho bảo trì đường bộ chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu, nên vào tháng 2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chuyển đoạn tuyến quốc lộ 80 cho tỉnh Kiên Giang quản lý, khai thác, sử dụng ngân sách địa phương cải tạo, nâng cấp.
Thực hiện Nghị quyết 106/2023 của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, đầu năm 2023, Chính phủ đã quyết định phân cấp 6 tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách địa phương đầu tư 7 dự án quốc lộ, cao tốc trên địa bàn. Đồng thời, 13 tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác đầu tư 14 dự án.
Phân cấp đi đôi với trách nhiệm
Hiện nay, Luật Đường bộ 2024 đã quy định phân cấp, phân quyền cụ thể cho các địa phương. Theo đó, Bộ GTVT có trách nhiệm quản lý quốc lộ. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý đường tỉnh, quốc lộ đi qua đô thị loại đặc biệt; quốc lộ khi được phân cấp.
Theo Cục đường bộ VN, Bộ GTVT chỉ làm công tác quản lý Nhà nước đối với các tuyến quốc lộ đã được phân cấp như thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của địa phương. Khi địa phương vi phạm (làm trái quy hoạch, trái các văn bản pháp luật có liên quan…), Bộ GTVT sẽ thu hồi quốc lộ đã phân cấp.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý bảo trì, Cục Đường bộ VN cho biết, hiện thực hóa quy định của luật, Cục Đường bộ VN đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về phân cấp quản lý quốc lộ. Trong đó, đề xuất các tiêu chí phân cấp, ưu tiên những địa phương có khả năng tự cân đối thu chi.
Theo quy định, tài sản thuộc cấp nào thì cấp đó quản lý, đầu tư và địa phương không được dùng ngân sách địa phương đầu tư quốc lộ.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố có nguồn lực, có nhu cầu đầu tư mở rộng quốc lộ qua địa bàn nhưng lại vướng các quy định pháp luật.
"Khi phân cấp sẽ tháo gỡ vướng mắc này, các địa phương có nguồn lực được chủ động đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp, bảo trì và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong quản lý tuyến đường", ông Tuấn Anh nói.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc phân cấp ủy thác cho địa phương quản lý, duy tu một số đoạn, tuyến đường quốc lộ là cần thiết. Bởi địa phương có lợi thế nhân lực tại chỗ, xử lý nhanh các phát sinh.
Tương tự, đại diện Sở GTVT Nam Định cho biết, việc phân cấp cho địa phương đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn sẽ giúp chủ động bố trí nguồn lực tài chính, con người cho việc quản lý, bảo trì, vận hành và đảm bảo giao thông.
Bên cạnh đó, việc trực tiếp quản lý quốc lộ sẽ tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương, địa phương cũng sẽ chủ động trong các quy hoạch liên quan đến các tuyến quốc lộ qua địa bàn.
Hai mô hình phân cấp
Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Long An nhìn nhận, chi phí quản lý bảo trì quốc lộ thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách Trung ương. Hằng năm Bộ Tài chính giao dự toán chi cho Bộ GTVT, do vậy Bộ GTVT không thể giao lại dự toán chi cho UBND tỉnh.
Thêm nữa, hiện còn thiếu sự đồng bộ trong việc theo dõi đảm bảo chất lượng công trình, vì cùng một tuyến quốc lộ nhưng lại có nhiều tỉnh, thành quản lý, không có đầu mối thống nhất.
Trong khi đó, đại diện Sở GTVT Nam Định cho rằng, các địa phương nguồn lực tài chính chưa đảm bảo nên được chủ động đề xuất phân cấp với các tuyến quốc lộ thứ yếu, các tuyến quốc lộ qua khu vực đô thị. Nguồn kinh phí thực hiện được cấp từ Cục Đường bộ VN.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, tới đây sẽ có hai mô hình phân cấp. Thứ nhất là phân cấp cho địa phương, địa phương tự bỏ nguồn lực đầu tư, bảo trì quốc lộ.
Thứ hai là phân cấp cho sở GTVT nhưng nguồn vốn vẫn do Bộ GTVT phân bổ. Bộ GTVT sẽ quản lý các tuyến quốc lộ huyết mạch như tuyến, đoạn tuyến quốc lộ là đường bộ cao tốc; tuyến, đoạn tuyến tham gia mạng lưới đường bộ quốc tế (AH); quốc lộ đi qua ba vùng kinh tế - xã hội trở lên.
Các tuyến quốc lộ thứ yếu chỉ nằm trong địa bàn của một tỉnh sẽ phân cấp cho địa phương quản lý. Địa phương có trách nhiệm đảm bảo nguồn để đầu tư xây dựng, bảo trì. Trong đó, ưu tiên phân cấp quản lý quốc lộ cho 16 tỉnh, thành phố tự cân đối được thu chi, không nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Với những địa phương không đủ nguồn lực để nhận hết các tuyến quốc lộ trên địa bàn có thể nhận một số tuyến. Khi đó, sẽ bổ sung nhiệm vụ chi của địa phương để cải tạo, nâng cấp, duy tu bảo trì quốc lộ được phân cấp, địa phương sẽ báo cáo trực tiếp Quốc hội về nhu cầu chi này.
Quy định có tính mở là khi tỉnh không đủ nguồn lực có thể không nhận phân cấp, trả lại cho Trung ương. Nhiệm vụ chi lúc này lại chuyển về ngân sách Trung ương.
Bên cạnh phân cấp, có một phần quốc lộ vẫn thực hiện mô hình ủy quyền theo mô hình 2. Với hơn 25.000km quốc lộ, Trung ương chỉ quản lý khoảng 40%, chủ yếu là các quốc lộ trọng điểm, số còn lại được ủy quyền cho các địa phương quản lý. Quy định này phù hợp các tỉnh không có nguồn lực, không muốn nhận phân cấp.
Nhóm PV
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/hai-mo-hinh-phan-cap-dia-phuong-quan-ly-quoc-lo-192241024234506951.htm