Hai ngôi đền Đồng Cổ ở xứ Thanh

Hai ngôi đền Đồng Cổ ở xứ Thanh
2 giờ trướcBài gốc
Đền Đồng Cổ, làng Đan Nê, xã Yên Thọ (Yên Định) nép mình bên núi Tam Thai.
“Ai về Đồng Cổ - Đan Nê”...
Trong cả nước hiện có 2 địa phương thờ thần Đồng Cổ là Hà Nội và Thanh Hóa. Trong đó, những truyền thuyết, huyền thoại dân gian hay chính sử đều ghi chép về ngôi đền Đồng Cổ tại làng Đan Nê, xã Yên Thọ (Yên Định) như là nơi phát tích, thờ chính. Bỏ mặc tất cả những hối hả, xô bồ phía bên ngoài tam quan, con đường dẫn vào đền Đồng Cổ cũng chính là con đường của an yên, tự tại. Bóng sông lồng bóng núi. Hồ bán nguyệt lóng lánh nắng thu. Nét trầm mặc, cổ kính của ngôi đền như nét chấm phá tinh tế, vừa cho thấy phong vị rất riêng của cảnh sắc vừa gợi lên khí thiêng của vùng đất này.
Đền Đồng Cổ, làng Đan Nê có lịch sử hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm. Từ khi chỉ là ngôi miếu nhỏ, đền Đồng Cổ có lúc bề thế, quy mô, kết cấu “tiền nhất - hậu đinh”, 38 gian, nghinh môn 3 tầng 8 mái. Đền tọa lạc dưới chân núi Tam Thai, từ trên đỉnh núi trông xuống thấy dòng sông Mã uốn khúc lượn quanh co với bến Trường Châu “từ xưa tập hợp thuyền buôn, cột buồm dựng đứng như cây rừng, thật là một nơi đô hội của đất Ái Châu”. Nội dung tấm bia thời Tây Sơn do Tuyên công Nguyễn Quang Bàn (con vua Quang Trung) soạn năm 1802 nhận định: “Núi và đền Đồng Cổ là một di tích thiêng liêng hiển hách vào bậc nhất của tỉnh Thanh Hóa”.
Không chỉ là vùng thắng tích, tâm linh, khu vực đền Đồng Cổ, làng Đan Nê ghi dấu nhiều sự kiện tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Lịch sử của ngôi đền hòa cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc, ngay cả vào những thời điểm cam go, khốc liệt nhất. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hang Ích Minh trong lòng ngọn núi Tam Thai là xưởng sản xuất vũ khí của quân đội ta. Khi giặc Pháp phát hiện ra, chúng đã cho ném bom vào khu vực này, biến nơi đây trở thành phế tích, chỉ còn lại nền móng và nghi môn ở phía Tây ngôi đền. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, một phân xưởng nhà máy điện cũng sơ tán về đây, hoạt động trong lòng hang Nội nằm ở ngọn núi phía bên trái ngôi đền.
Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền Đồng Cổ có được diện mạo, kiến trúc như hôm nay. Cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, kiến trúc độc đáo của ngôi đền cùng sắc màu tâm linh xoay quanh các truyền thuyết, huyền thoại về sự linh ứng của thần Đồng Cổ làm nức lòng du khách. Cùng với đó, hằng năm, vào ngày 15/3 âm lịch, lễ hội đền Đồng Cổ được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi động, hấp dẫn đông đảo du khách tham gia như: Rước kiệu, lễ cáo yết, đua thuyền, chơi cờ người, bịt mắt bắt vịt...
Với những nét đặc trưng, tiêu biểu ấy, năm 2001, đền Đồng Cổ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2019, Di tích lịch sử văn hóa Núi và đền Đồng Cổ được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là điểm du lịch. Những năm gần đây, huyện Yên Định đã nỗ lực, cố gắng triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích núi và đền Đồng Cổ gắn với phát triển du lịch.
Làng Mỹ Đà có đền Đồng Cổ
Từ làng Đan Nê, xã Yên Thọ (Yên Định) về với làng Mỹ Đà (thuộc xã Hoằng Minh cũ, sau sáp nhập thuộc xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng nơi đây tồn tại ngôi đền Đồng Cổ với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm.
Làng Mỹ Đà xưa có tên là Kẻ Cổ, nằm tách biệt về phía Nam. Trước đây, muốn đi vào làng phải đi theo những lối mòn băng qua cánh đồng Tam Tổng. Bước ra khỏi làng phóng tầm mắt nhìn ra một vùng lúa mênh mông, bát ngát. Ngôi làng có truyền thống hiếu học, bề dày lịch sử văn hóa. Được biết, trước đây, làng Mỹ Đà có văn chỉ, có ngôi chùa 3 gian thờ phật, cách giếng thiên tạo khoảng 30m về phía Nam. Chùa có 5 pho tượng phật bằng gỗ quý, một chuông đồng và nhiều hiện vật khác... Tuy nhiên, đến nay, chùa không còn, chỉ còn lại giếng thiên tạo; văn chỉ cũng không còn, lưu lại dấu tích là bệ đá. Duy chỉ có ngôi đền Đồng Cổ trải qua biến thiên thời gian, thăng trầm lịch sử vẫn vững vàng tọa lạc phía đầu làng, trở thành “điểm tựa tâm linh” của các thế hệ cháu con nơi đây.
Ngôi đền Đồng Cổ ở làng Mỹ Đà, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa).
Lịch sử hình thành và phát triển của ngôi đền này có liên quan mật thiết đến ngôi đền Đồng Cổ ở làng Đan Nê, xã Yên Thọ (Yên Định). Tục truyền năm 1020, Thái tử Lý Phật Mã (con vua Lý Thái Tổ) đem quân đi đánh giặc phương Nam, qua Hoằng Hóa, đến làng Mỹ Đà lúc giữa trưa, bỗng thấy trời nổi mưa gió, sấm chớp dữ dội, không thể tiến quân tiếp được, Thái tử cho quân nghỉ lại ở đây. Nhìn bao quát, Thái tử nhận ra địa hình của vùng đất này như một đóa hoa sen, cho là sự lạ nên sai tùy tùng lập đàn tế ngay tại đây. Đêm đến, linh ứng thấy thần Đồng Cổ hiện lên xưng danh: “Ta là Sơn Thần Đồng Cổ, theo vua đi dẹp giặc. Nay thấy nơi đây là đất linh thiêng cho nên hiển ứng” rồi biến mất.
Ngày ra trận giữa lúc hai bên đang tả xung hữu đột, bỗng tiếng trống đồng rung lên vang dội, quân ta đại thắng. Lúc khải hoàn trở về, Thái tử khao quân tại làng Mỹ Đà. Tưởng nhớ công ơn vị thần và sự linh thiêng của vùng đất Mỹ Đà, triều đình ban sắc chỉ về làng, truyền cho dân dựng đền thờ; đồng thời ban lệnh cấp thêm cho dân làng 70 quan tiền để làm công quỹ hương khói, sửa sang đền. Việc lương, binh, phu, dịch cũng được hoãn trong 3 năm. Vì vậy, đền Đồng Cổ, làng Mỹ Đà còn tên gọi khác là Liên Hoa linh từ. Vua ban mỹ tự cho thần là “Thượng đẳng phúc thần”, ngàn năm thờ cúng, cùng hưởng lộc nước mãi mãi. Sắc phong ghi rõ: “Bản cảnh Thành hoàng Bảo hựu hiển ứng Thượng đẳng phúc thần Đại vương”. Các triều đại nhà Lê, nhà Nguyễn đều có ban sắc phong.
Đền cũ được xây dựng 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, 3 gian nghinh môn, tả hữu mỗi bên có 4 gian dải vũ. Có thời điểm, đền bị phá hủy. Năm 2000, đền được khôi phục lại với kiến trúc hình chữ Đinh. Khu tiền đường thiết kế 5 gian; ngay giữa tiền đường là nơi đặt hương án hội đồng; bên phải thờ công chúa Kim Dung, bên trái thờ Bác Hồ. Hậu cung thờ thần Đồng Cổ; phía trong có chuông đồng, trống đồng, lư hương bằng đồng...
Ông Lê Viết Bách, người trông coi đền Đồng Cổ cho biết: “Đền xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp. Dịp cuối năm 2023, Nhân dân trong làng đã phát tâm, đóng góp, cung tiến nhằm sửa sang lại khuôn viên, tường rào bao quanh, thay hoành tải, đảo ngói, lát lại nền phía trong đền”... Từ lâu, đền Đồng Cổ làng Mỹ Đà, xã Hoằng Đức đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong vùng. Đặc biệt, lễ hội đền Đồng Cổ được tổ chức vào ngày mùng 1 tháng hai (âm lịch) là lễ lớn của làng. Trong khí xuân, sắc xuân ngập tràn, chính quyền và Nhân dân địa phương lại háo hức, nô nức tổ chức rước kiệu từ đền đến văn chỉ của làng sau đó tại vị ở đền. Tế thần được thực hiện trang nghiêm, thành kính. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, thể thao sôi nổi khắp làng. Ngôi đền Đồng Cổ đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2004.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh Hóa có khoảng hơn 1.500 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; 755 di sản văn hóa phi vật thể với gần 300 lễ hội, lễ tục, phong tục tập quán, các trò chơi, trò diễn dân gian... Trong muôn sắc hương ấy, hai ngôi đền Đồng Cổ vẫn tạo được dấu ấn riêng, vẫn song hành với nhịp sống đương đại, trong sự yêu mến, ngưỡng vọng, chung sức đồng lòng bảo tồn và phát huy của các thế hệ cháu con.
Bài và ảnh: Thảo Linh
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/hai-ngoi-den-dong-co-o-xu-thanh-226119.htm