Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, thời gian qua, công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 trên địa bàn thành phố được tổ chức nghiêm túc, đồng bộ, bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương. Công tác tuyên truyền được các cơ quan, địa phương triển khai linh hoạt, sáng tạo, góp phần nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng.
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, Đảng bộ Thành phố Hải Phòng hiện có 20 đảng bộ trực thuộc; 776 tổ chức cơ sở đảng. Căn cứ chỉ đạo, định hướng của Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương, Thành phố Hải Phòng đã chủ động chủ trì, phối hợp với tỉnh Hải Dương xây dựng dự thảo Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và Hải Phòng; lấy ý kiến của cử tri 2 địa phương với kết quả đồng thuận cao.
Một số nhiệm vụ đang được Thành ủy Hải Phòng phối hợp Tỉnh ủy Hải Dương tích cực triển khai, như: Chỉ đạo xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2025 - 2030 (sau hợp nhất); xây dựng Đề án thành lập (hợp nhất) các cơ quan chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh; xây dựng các phương án đảm bảo điều kiện làm việc cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tỉnh Hải Dương, gồm hỗ trợ phương tiện đi lại, nhà ở, kết nối giao thông, chuyển đổi số...
Quang cảnh buổi làm việc.
Trước khi sắp xếp, thành phố Hải Phòng có 167 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 81 xã, 79 phường và 7 thị trấn. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, thành phố đã xây dựng và phê duyệt phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, qua đó hình thành 50 đơn vị hành chính mới, gồm 24 xã, 24 phường và 2 đặc khu, giảm 117 đơn vị hành chính, đạt tỷ lệ sắp xếp 70%.
Đáng chú ý, sau sắp xếp, toàn bộ 50/50 đơn vị hành chính cấp xã mới đều đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đó, 39/50 đơn vị đạt đủ cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số; 11 đơn vị còn lại tuy chưa đạt một trong hai tiêu chuẩn nhưng được sắp xếp từ 3 đơn vị trở lên nên đủ điều kiện theo quy định.
Cùng với đó, tỉnh Hải Dương, địa phương dự kiến hợp nhất với Hải Phòng theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, cũng đã hoàn thiện phương án sắp xếp 207 đơn vị hành chính cấp xã thành 64 đơn vị mới, giảm 143 đơn vị, đạt tỷ lệ 69,08%.
Hai địa phương đã chủ động phối hợp, thống nhất kế hoạch thực hiện bảo đảm đồng bộ, thống nhất và đúng lộ trình Trung ương đề ra.
Sau sắp xếp, Thành phố Hải Phòng mới sẽ có 114 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó gồm 45 phường, 67 xã và 2 đặc khu. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và tiến tới hợp nhất tỉnh Hải Dương với Thành phố Hải Phòng.
Ngày 15/5/2025, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Kết luận số 605- KL/TU về Đề án kết thúc hoạt động đảng bộ cấp huyện, cấp xã giai đoạn hiện nay; thành lập đảng bộ xã, phường, đặc khu Thành phố Hải Phòng. Tính đến ngày 30/4/2025, toàn Thành phố Hải Phòng đã xem xét, giải quyết theo quy định 255 trường hợp cán bộ nghỉ theo Nghị định số 178 và Nghị định số 67 của Chính phủ.
Ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng cho biết, quá trình sắp xếp, hợp nhất đồng bộ của hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân.
Ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng cho biết, quá trình sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy được Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp ủy tập trung chỉ đạo quyết liệt, phát huy tinh thần chủ động, vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân; tuy nhiên, vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức; sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập; giải quyết chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện phuơng án giải thể, kết thúc hoạt động.
“Hiện nay, Trung ương chưa có quy định, huớng dẫn cụ thể về việc chuyển cán bộ, công chức cấp xã hiện tại thành công chức của đơn vị hành chính xã, phuờng mới để có cơ sở bố trí, sắp xếp hoặc giải quyết chế độ, chính sách đối với truờng hợp dôi dư. Năm 2024, thành phố Hải Phòng đã hoàn thành Đề án vị trí việc làm; tuy nhiên do chưa có huớng dẫn của các bộ, ngành Trung uơng về vị trí việc làm và định mức biên chế theo Nghị định số 45/2025/NĐ-CP của Chính phủ nên chưa có cơ sở triển khai xây dựng, phê duyệt lại Đề án theo quy định mới”, ông Đỗ Mạnh Hiến cho biết.
Tại buổi làm việc, ông Trần Cẩm Tú, Thường trực Ban Bí thư đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm chính trị cao của thành phố Hải Phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã cũng như chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đặc biệt, điểm rất nổi bật của Hải Phòng là đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội trong 5 tháng đầu năm với chỉ tiêu tăng trưởng, thu ngân sách, đặc biệt thu nội địa tăng cao.
Ông Trần Cẩm Tú, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc.
Với khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu khắt khe về tiến độ, chất lượng và tính đồng bộ, Thành ủy Hải Phòng đã thể hiện rõ sự chủ động, tích cực phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, cơ bản thống nhất xây dựng các kế hoạch, phương án triển khai bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, khoa học.
“Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng cần tiếp tục rà soát, cập nhật, hoàn thiện các nhiệm vụ, công việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, xây dựng phương án phân công cụ thể để bảo đảm thực hiện đúng tiến độ. Tinh thần là đến ngày 1/7, các đơn vị hành chính cấp xã mới phải chính thức đi vào hoạt động, không để công việc bị gián đoạn, không phát sinh vướng mắc, bất cập”, ông Trần Cẩm Tú nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý Hải Phòng tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ khác như: xây dựng phương án tổ chức bộ máy chính quyền, tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội phù hợp với mô hình tổ chức mới; bố trí trụ sở làm việc, nơi ăn ở cho cán bộ, công chức, viên chức; xử lý tài sản công sau sáp nhập, không để thất thoát, lãng phí sau sáp nhập.
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng cần chủ động, kịp thời phối hợp chặt chẽ với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương để thực hiện Kết luận 150 của Bộ Chính trị và thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phương án nhân sự thành phố mới (sau sáp nhập hai địa phương). Công tác cán bộ phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công tâm, cân bằng, hài hòa, thống nhất cao; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cục bộ địa phương, “quyền anh, quyền tôi” và tiêu cực.
Đồng thời, các kiến nghị, đề xuất của thành phố sẽ được tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và đúng quy định.
Thanh Sơn