Năm 2024, TP Hải Phòng vươn lên vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng Chỉ số PCI.
Năm 2006, PCI Hải Phòng chỉ xếp hạng thứ 41/63 tỉnh, TP. Liên tục từ năm 2006 đến năm 2011, chỉ số PCI của TP duy trì mức xếp hạng trong vị trí thấp từ 36-48. Sau đó đến giai đoạn 2012-2018, PCI đã cải thiện hơn so với giai đoạn trước nhưng vẫn có những biến động lớn ở vị trí xếp hạng. Giai đoạn 2019 - 2024, chỉ số PCI Hải Phòng bắt đầu có bước chuyển biến mạnh mẽ, liên tục chinh phục các vị trí xếp hạng cao và giữ vững top đầu qua các năm.
Năm 2021 là năm đầu tiên Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, TP và thứ 2/11 tỉnh, TP vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2022 và năm 2023, PCI Hải Phòng xếp vị trí thứ 3 cả nước và thứ 2/11 tỉnh, TP vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2024, PCI Hải Phòng vươn lên vị trí xếp hạng thứ nhất. Như vậy, TP Hải Phòng đã có 4 năm liên tiếp nằm trong top 3 (từ năm 2021 - 2024), đồng thời có 7 năm nằm trong top 10 tỉnh, TPdẫn đầu cả nước (từ năm 2017 - 2024).
Đặc biệt, năm 2024, Hải Phòng cũng dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS). Đây là lần thứ 2 TP Hải Phòng dẫn đầu cả nước về Chỉ số CCHC (lần gần nhất là năm 2021). Trong lịch sử 13 năm đánh giá thì Hải Phòng có 12 năm liên tiếp nằm trong tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số CCHC, trong đó 7 năm xếp vị trí thứ 2/63.
Trao Kỷ niệm chương và Giấy chứng nhận cho các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc thuộc TOP 10 tỉnh, thành phố có điểm PCI năm 2024 hàng đầu Việt Nam.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP đã xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng công vụ của bộ máy hành chínhlà giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng cao và hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
TP đã ban hành nhiều kế hoạch cải cách hành chính; thực hiện triệt để việc giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân từng cán bộ, đảng viên, theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”; thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và FDI để kịp thời tháo gỡ khó khăn; đồng thời tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
Trong năm 2024, 100% TTHC được giải quyết tại Bộ phận Một cửa; công bố danh mục TTHC và công khai trên hệ thống trực tuyến; các khoản phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến được miễn giảm; triển khai mạng chuyên dụng, đảm bảo kết nối 100% các phường xã và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính hướng đến xây dựng chính quyền số.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu tại lễ công bố.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Chỉ số PCI đã trở thành công cụ quan trọng giúp Hải Phòng đổi mới tư duy điều hành, nâng cao hiệu quả quản trị, lan tỏa các bài học cải cách, xây dựng thương hiệu địa phương, và đặc biệt là công cụ giám sát hữu hiệu, phản ánh “tiếng nói” doanh nghiệp đối với chính quyền, qua đó giúp đánh giá, điều chỉnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của TP.
Nhờ nỗ lực cải cách gắn với nâng cao thứ hạng PCI và các chỉ số hành chính, Hải Phòng đã vươn lên Top 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước vào năm 2024, duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số suốt 10 năm liên tiếp. Thu ngân sách nhà nước vượt mốc 100.000 tỷ đồng từ năm 2022 và tiếp tục tăng cao. Giai đoạn 2021–2024, TP liên tục nằm trong Top 5 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước.
Thời gian tới, Hải Phòng sẽ tập trung thực hiện vào 7 định hướng chiến lược nhằm tạo bứt phá trong cải cách hành chính, phát triển kinh tế và xây dựng đô thị hiện đại. Trong đó, Hải Phòng sẽ đẩy nhanh chuyển đổi số và xây dựng chính quyền số, đồng thời tái cấu trúc bộ máy hành chính hiệu quả sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, bảo đảm không gián đoạn trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra là đạt mức tăng trưởng GRDP 12,5% vào năm 2025 và 15–16% trong giai đoạn 2026–2030.
Bên cạnh đó, TP sẽ chủ động quy hoạch lại không gian phát triển theo mô hình đô thị đa cực – công nghiệp – dịch vụ tích hợp, tạo động lực tăng trưởng từ cả khu vực nội đô và vùng ven. Phát triển đồng bộ hạ tầng chiến lược, ưu tiên hoàn thiện Cảng Lạch Huyện, đầu tư cảng Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Tiên Lãng, đường sắt tốc độ cao. TP cũng đang nghiên cứu thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới trong năm 2025 theo mô hình “một khai báo, một kiểm tra, một phê duyệt” chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đặc biệt tại Khu kinh tế ven biển phía Nam theo hướng sinh thái, công nghệ cao. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới công tác quản trị, điều hành và nâng cao chất lượng chỉ số PCI. TP triển khai rộng rãi Bộ chỉ số DDCI để đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương; coi kết quả này là tiêu chí quan trọng trong đánh giá, khen thưởng cán bộ…
Nguyên An