Trong suốt 13 năm kể từ khi Bộ Nội vụ thực hiện đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính, Hải Phòng là địa phương duy nhất luôn xếp ở vị trí tốp đầu của bảng xếp hạng (Năm 2012 – 2013 xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; Năm 2014 – 2016 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; năm 2017 – 2018 xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố; Năm 2019 xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; Băm 2020, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; năm 2021, lần đầu tiên, chỉ số cải cách hành chính của thành phố được xếp vị trí thứ nhất trong Bảng xếp hạng; Năm 2022 và 2023 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Năm 2024 xếp thứ nhất).
Chỉ số PAR INDEX 2024
Về kết quả Chỉ số cải cách hành chính 2024 của các tỉnh, thành phố được phân theo 2 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 13 tỉnh, thành phố; Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 50 tỉnh, thành phố.
Theo đánh giá, thành phố Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 với kết quả đạt 96,17%, cao hơn 4,30% và tăng 1 bậc xếp hạng so với năm 2023.
Đây là lần thứ hai thành phố Hải Phòng dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (lần gần nhất là năm 2021).
Về kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS) đạt trung bình là 83,94%, tăng 1.28% so với năm 2023. Chỉ số SIPAS của Hải Phòng đạt 90,59%, tăng 1,69%, lần đầu tiên xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng đo lường sự hài lòng.
Mức độ hài lòng với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và Mức độ hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công, Hải Phòng đều cao nhất.
Đây là kết quả của một quá trình tích lũy, thể hiện tính chất bền vững của công tác cải cách hành chính của thành phố, khẳng định sự quan tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính quyền thành phố trong việc duy trì, cải thiện chỉ số CCHC. Công tác cải cách hành chính của thành phố đã được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tạo nên những bước chuyển biến rõ rệt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Bộ phận một cửa tại Trung tâm Chính trị - Hành chính quận Ngô Quyền
Công tác chỉ đạo điều hành của địa phương luôn được đổi mới, thể hiện rõ sự chủ động, kiên quyết. Tiếp đó là tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tập trung rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, qua đó đã tạo sự chuyển biến rõ nét, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Nổi bật trong năm 2024, thành phố tổ chức thành công Hội nghị của Thường trực Thành ủy đối thoại với gần 600 doanh nghiệp FDI; Ngày hội khởi nghiệp và tuần lễ khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2024. Tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp qua Zalo, trả lời trực tuyến sử dụng trí tuệ nhân tạo AI.
Thành phố đã quyết liệt và tập trung cao trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính so với quy định, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Rút ngắn thời gian tối đa cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (dưới 1,5 ngày); thời gian giải quyết thủ tục đầu tư (rút ngắn 30% – 60% thời gian); thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (một số thủ tục hành chính thời gian giải quyết còn 5 – 10 ngày).
Xây dựng sáng tạo khoảng 50 mô hình mới hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lập, hoàn thiện hồ sơ khi thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính toàn trình để tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp nộp được hồ sơ hợp lệ ngay từ lần nộp đầu tiên và giảm tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung ở mức thấp nhất. Theo thống kê từ các ngành, địa phương, có 13/32 cơ quan với tỷ lệ 100% hồ sơ nhận hợp lệ ngay từ lần nộp đầu tiên, hầu hết hồ sơ nhận hợp lệ ngay từ lần nộp đầu tiên chiếm tỷ lệ cao từ 95% trở lên.
Thành phố đã thiết lập Hệ thống thông tin một cửa điện tử; kết nối liên thông tới cả 3 cấp chính quyền, kết nối với 23 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các Bộ, ngành Trung ương; tích hợp 1579/1937 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt trên 90%. Đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, thành phố đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới và thay đổi qua mạng đạt tỷ lệ 100% số hồ sơ; 100% doanh nghiệp khai thuế điện tử, trên 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử và thực hiện hoàn thuế điện tử cho 100% doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong kê khai thuế; trên 99% doanh nghiệp thực hiện hải quan điện tử, thời gian tiếp nhận, thông quan đối với tờ khai luồng xanh từ 1-3 giây.
Trong triển khai thực hiện tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, TP. Hải Phòng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho đơn vị, địa phương; chú trọng xây dựng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao kỷ luật, đạo đức và trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; chủ động bắt nhịp chuyển đổi số để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã chủ động bắt nhịp chuyển đổi số để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư. UBND Thành phố đã triển khai kiến trúc Chính quyền điện tử; triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP): 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử; 100% cơ quan thực hiện kết nối, liên thông các Hệ thống quản lý văn bản điều hành từ cấp tỉnh đến cấp huyện; 100% cơ quan thực hiện kết nối, liên thông các Hệ thống quản lý văn bản điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Xây dựng kho dữ liệu dùng chung với 192 bộ dữ liệu, 1.941 trường thông tin, hơn 437.600 bản ghi của 18/20 sở, ngành cung cấp; cổng dữ liệu mở đã công bố 50/98 bộ dữ liệu mở do 7/20 sở, ngành cung cấp.
Nhờ thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, thành phố Hải Phòng đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, diện mạo thành phố đổi thay từng ngày.
Cụ thể, năm 2024, Hải Phòng trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 10 năm liên tiếp; thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt 4,7 tỷ USD, gấp 2,35 lần so với kế hoạch.
Từ kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của Hải Phòng đã cho thấy những nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính của chính quyền các cấp ở địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ngày càng được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Để triển khai hiệu quả hơn công tác cải cách hành chính trong thời gian tới, về quan điểm, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: Thành phố cần xác định công tác cải cách hành chính phải được thực hiện một cách đồng bộ, thực chất, căn cơ và cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân thành phố. Mục tiêu xây dựng và hoàn thiện nền hành chính nhà nước “phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”. Từ đó, hướng đến xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thực sự minh bạch, lành mạnh, công bằng và đem đến những tiện ích, phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Thanh Sơn