Thông tin từ UBND TP. Hải Phòng cho biết 6 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của thành phố (trước khi sáp nhập với tỉnh Hải Dương) đạt 11,2% so với cùng kỳ năm 2024, thu ngân sách ước đạt hơn 77.319 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đạt 6.425 tỷ đồng bằng 25,3% kế hoạch.
GIẢI NGÂN ĐƯỢC 6.425 TỶ ĐỒNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Theo đó, tính đến hết ngày 20/6, Hải Phòng giải ngân được 6.425 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 25,3% kế hoạch Thủ tướng và HĐND thành phố giao (hơn 25.440 tỷ đồng). Trong đó, vốn trung ương đã giải ngân toàn bộ 459,245 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 100%, vốn ngân sách thành phố đã giải ngân gần 5.966 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch thành phố giao (hơn 24.981 tỷ đồng).
Cụ thể, 28 chủ đầu tư dự án được thành phố giao tổng cộng là gần 16.400 tỷ đồng, đến ngày 20/6, đã giải ngân được 3.651 tỷ đồng, đạt 22,3% kế hoạch vốn. Trong đó, có 9 chủ đầu tư giải ngân trên mức bình quân chung (22,3%) gồm Tổng đội Thanh niên xung phong (65%), TAND thành phố (53%), Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (44%), thành phố Thủy Nguyên (42%), huyện Cát Hải (33%), quận Hải An (33%), quận Dương Kinh (28%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp (25%), huyện Tiên Lãng (24).
Có 10 chủ đầu tư giải ngân dưới mức bình quân chung (22,3%) gồm huyện Vĩnh Bảo (19%), quận Ngô Quyền (17%), quận Lê Chân (16%), quận Kiến An (15%), quận Hồng Bàng (14%), Công ty TNHH MTV Thương mại đầu tư phát triển đô thị (14%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và hạ tầng Hải Phòng (13%), quận Đồ Sơn (9%), Công an thành phố (5%), huyện Kiến Thụy (4%).
Ngoài ra, còn có 9 chủ đầu tư chưa giải ngân gồm huyện Bạch Long Vĩ, Bộ chỉ huy quân sự thành phố, Thành đoàn Hải Phòng, VKSND thành phố, Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà, Chi cục quản lý tài nguyên nước và phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ.
Vốn đầu tư công bổ sung có mục tiêu và phân cấp cho các địa phương tổng cộng là 3.678 tỷ đồng, đến hết ngày 20/6, 15 địa phương đã giải ngân 1.137 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 31%. Trong đó, có 8 địa phương đã giải ngân trên mức bình quân (31%), 7 địa phương giải ngân dưới mức bình quân chung là thành phố Thủy Nguyên (29%), quận Hải An (27%), quận Kiến An (24%), huyện Vĩnh Bảo (17%), huyện Bạch Long Vĩ (16,4%), quận Ngô Quyền (14%), quận Lê Chân (14%).
Cùng kỳ năm 2024, Hải Phòng đã giải ngân được hươn 4.960 tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch Thủ tướng giao (hơn 17.019 tỷ đồng), bằng 25% kế hoạch thành phố giao (hơn 19.972 tỷ đồng). UBND TP. Hải Phòng cho rằng do kế hoạch đầu tư công năm 2025 cao hơn so với năm 2024 nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay thấp hơn so với năm ngoái.
PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG CÔNG NGHIỆP, CẢNG BIỂN
Theo báo cáo của UBND TP. Hải Phòng, để mở rộng không gian kinh tế, thành phố đã tập trung cao cho công tác triển khai lập nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, triển khai nghiên cứu điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 khu vực Đồ Sơn và Cát Bà theo hướng lấn biển để tạo quỹ đất phát triển đô thị - du lịch - dịch vụ.
Hải Phòng phát triển 3 trụ cột kinh tế chủ yếu là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Trong đó, đã tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng năm 2025 ước tăng 15,2% so với cùng kỳ, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GRDP đạt 44,73%, cao hơn cùng kỳ năm 2024. Một số ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất máy vi tính, thiết bị ngoại vi của máy vi tính, sản xuất xe có động cơ có đóng góp tích cực vào tăng trưởng IIP toàn thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Hải Phòng đã thành lập 6 khu công nghiệp gồm Nomura 2 (197,16ha), Vinh Quang (226,01ha), Tràng Duệ 3 (652,73ha), Nam Tràng Cát (200,39ha), Tân Trào giai đoạn 1 (226,79ha) và Ngũ Phúc giai đoạn 1 (238,6ha) và 2 cụm công nghiệp là cụm công nghiệp Tràng Duệ (58,75ha), cụm công nghiệp Cửa Hoạt – Quán Thắng (45ha).
Như vậy, tổng số khu công nghiệp được thành lập trên địa bàn thành phố (trước khi sáp nhập với Hải Dương) là 20 khu (tổng diện tích 7.843ha) cùng 19 cụm công nghiệp (tổng diện tích 787,5ha). Trong đó, có 2 khu công nghiệp Nam Cầu Kiền và Đình Vũ đang triển khai chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái.
Về phát triển cảng biển – logistics, Hải Phòng tập trung thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm logistics theo quy hoạch được duyệt. Hải Phòng hiện có khoảng 250 doanh nghiệp logistics với hơn 170.000 lao động, 60 kho bãi lớn với tổng diện tích hơn 700ha được phân bố chủ yếu tại các khu vực cảng biển trọng điểm như Đình Vũ, Tân Vũ, Chùa Vẽ, Hoàng Diệu và Hải An. Hải Phòng đã chủ động thu hút xây dựng và triển khai các trung tâm logistics theo hướng hiện đại, đồng bộ, tập trung phát triển các trung tâm logistics quy mô lớn như khu vực Đình Vũ – Cát Hải, Nam Đình Vũ, VSIP…
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Hải Phòng đã hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác các bến số 3,4,5,6, tiếp tục xây dựng bến số 7,8 và kêu gọi đầu tư đối với các bến còn lại tại cảng Lạch Huyện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính đề trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư các bến số 9,10,11,12 tại cảng Lạch Huyện. Bên cạnh đó, Hải Phòng tập trung nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng các bến cảng khởi động của cảng Nam Đồ Sơn và các bến khu vực sông Văn Úc.
Đỗ Hoàng