Ở khu vực vùng đồng bằng sông Hồng, trừ Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh giữ nguyên, với nhóm tỉnh, thành phố thực hiện hợp nhất đều tăng quy mô kinh tế tương đối lớn. Trong đó, thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương sau hợp nhất có diện tích tự nhiên 3.194,7 km2 và quy mô dân số 4.102.700 người; quy mô kinh tế lên tới gần 660.000 tỷ đồng. Từ vị trí thứ 5, Thành phố Hải Phòng mới sẽ xếp ở vị trí thứ 3 toàn quốc về quy mô kinh tế, sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Có thể thấy rằng, sau hợp nhất Hải Phòng - Hải Dương sẽ mở rộng không gian, động lực phát triển mới hướng biển. Bởi, Hải Phòng là địa phương có lợi thế riêng có về cảng biển, cửa ngõ ra biển của cả miền Bắc. Với việc đưa vào khai thác đồng thời 6 bến cảng nước sâu do 3 đơn vị khai thác riêng lẻ với tổng chiều dài bến 2,4 km, Lạch Huyện không chỉ trở thành cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc, mà còn đưa Hải Phòng dần trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại với hạt nhân là cảng biển cửa ngõ quốc tế.
Hải Phòng là địa phương có lợi thế riêng có về cảng biển
Khu bến Lạch Huyện được quy hoạch là cảng hàng hóa và cảng hành khách lớn nhất trong hệ thống cảng biển Hải Phòng với 13 - 16 bến cảng (gồm 14 - 18 cầu cảng). Các bến cảng khu bến Lạch Huyện có công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu thông qua từ 61,4 - 90 triệu tấn hàng hóa/năm, vận chuyển từ 10.500 - 11.000 lượt hành khách/năm. Đến năm 2050, khu bến này có quy mô mở rộng tới 20 bến cảng container.
Bên cạnh đó, là cửa ngõ ra biển nên Hải Phòng có vị trí địa chính trị, kinh tế đặc biệt trong các hành lang kinh tế nội vùng, liên vùng, quốc tế gồm: hành lang kinh tế Bắc - Nam; hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình. Từ lợi thế này, Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại, trung tâm kinh tế biển mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á.
Để thực hiện mục tiêu này, phát huy tối đa lợi thế cảng biển, TP. Hải Phòng đang tập trung đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát huy vai trò động lực của các khu kinh tế ven biển gắn với các khu đô thị ven biển. Hải Phòng chính thức được Chính phủ cho phép thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha để tận dụng lợi thế của cảng Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng. Thành phố đang tập trung cao xây dựng, hoàn thiện đề án trình Trung ương phê duyệt thành lập khu thương mại tự do trong khu kinh tế mới, dự kiến trong tháng 8/2025.
Thành phố đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 35 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hải Phòng, trong đó có những chính sách đặc thù cho khu thương mại tự do. Trước khi hợp nhất, Hải Phòng và Hải Dương đều là những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của phía Bắc và cùng xác định công nghiệp công nghệ cao là trụ cột chính của nền kinh tế.
Cả 2 địa phương có những điểm chung và thế mạnh riêng. Về cơ cấu kinh tế, cả hai tỉnh, thành phố có cơ cấu kinh tế tương đồng với tỷ lệ ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều đạt trên 74%, là các địa bàn công nghiệp trọng điểm. Tỉnh Hải Dương hiện có 610 dự án vốn đầu tư nước ngoài hoạt động với tổng vốn hơn 11 tỷ USD, nhiều khu công nghiệp lớn đang thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư. Tỉnh đặt mục tiêu đến 2030 phát triển 33 khu công nghiệp, đặc biệt Dự án Khu kinh tế chuyên biệt tại 2 huyện Bình Giang và Thanh Miện với tổng diện tích khoảng 5.300 ha. Đây là chủ trương thể hiện sự sáng tạo và khát vọng phát triển để đưa Hải Dương bứt phá tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh trung tâm đồng bằng Bắc Bộ.
Khu công nghiệp An Phát Complex, Hải Dương là một trong số các khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Tuấn Anh
Trong khi đó, Hải Phòng là trung tâm sản xuất công nghiệp với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số liên tục 10 năm. Đến nay, Hải Phòng thu hút hơn 1.000 dự án FDI từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đạt 33,6 tỷ USD. Riêng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đã thu hút 22,9 tỷ USD, tương đương hơn 80% tổng vốn FDI của toàn Thành phố. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt 64,3%, với tỷ suất đầu tư bình quân đạt 12 triệu USD/ha, cao gấp 3 lần mức trung bình cả nước. Cơ cấu công nghiệp - xây dựng của Thành phố chiếm tới khoảng 53% GRDP, thu hút nhiều tập đoàn lớn.
Với quyết tâm cao, những năm qua, Hải Phòng, Hải Dương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng là 11,01%, xếp thứ nhất, Hải Dương đạt 10,2%, xếp thứ 3/11 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Quý I/2025, cả hai địa phương ở trong tốp 9 địa phương tăng trưởng 2 con số của cả nước. Điều đó cho thấy, sau hợp nhất, Hải Phòng, Hải Dương không chỉ tăng diện tích, quy mô dân số, tăng quy mô kinh tế mà sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế của nhau, làm tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư, mở rộng không gian phát triển hơn nữa.
Trước đó, Hải Phòng, Hải Dương đã ký kết hợp tác phát triển, để khẳng định động lực tăng trưởng của vùng, nhất là chú trọng xây dựng kết nối hạ tầng giao thông. Hải Phòng chủ động nguồn lực đầu tư, xây dựng cầu Dinh, thay thế đò Dinh kết nối thị xã Kinh Môn (Hải Dương) và thành phố Thủy Nguyên; cầu Quang Thanh, thay thế phà Quang Thanh, nối huyện Thanh Hà (Hải Dương) với huyện An Lão. Những cây cầu gỡ điểm nghẽn giao thông giữa 2 địa phương, thúc đẩy giao thương, kinh tế phát triển. Giờ đây, khi hợp nhất Hải Phòng, Hải Dương, Hải Phòng có thêm cơ hội để quy hoạch giao thông, đô thị, khu công nghiệp... ở quy mô lớn, tạo dư địa, động lực phát triển mạnh mẽ hơn.
Cầu Quang Thanh kết nối huyện An Lão (Hải Phòng) và huyện Thanh Hà (Hải Dương)
Theo định hướng phát triển, cả 2 địa phương đều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Hải Phòng được định hướng trở thành thành phố cảng biển lớn, trung tâm dịch vụ logistics hiện đại, trung tâm kinh tế biển mang tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước. Tỉnh Hải Dương được định hướng đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2050, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc hợp nhất tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng không chỉ xuất phát từ định hướng của Đảng, mà còn là cơ hội để 2 địa phương cộng hưởng những thế mạnh, mở ra không gian phát triển mới, tối ưu hóa nguồn lực, phát huy vai trò động lực vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Từ đó xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ logistics hiện đại, phát triển bền vững và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thanh Sơn