Hưng Yên 'đóng' biển, Hải Phòng huy động hơn 35.000 người ứng phó bão số 3

Hưng Yên 'đóng' biển, Hải Phòng huy động hơn 35.000 người ứng phó bão số 3
2 giờ trướcBài gốc
Sơ tán khách du lịch, người dân ở khu vực trọng yếu
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện lãnh đạo UBND Đặc khu Cát Hải cho biết, tính đến trưa 21/7, địa phương đã đồng loạt triển khai các tổ công tác liên ngành triển khai các giải pháp đồng bộ ứng phó trước khi bão số 3 đổ bộ.
Trong đó, triển khai các tổ công tác, ứng trực 24/24, cập nhật diễn biến tình hình bão, tuyên truyền vận động ngư dân, khách du lịch về nơi tránh trú an toàn, yêu cầu hoàn thành trước 15h cùng ngày.
Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống phát sinh.
Tính đến trưa 11/7, toàn bộ 654/1.469 lao động tàu thuyền, phương tiện đã được sắp xếp neo đậu tại vị trí tránh trú an toàn. Trong đó, có 241 tàu du lịch, 318 tàu cá, 9 tàu vận tải. Ngoài ra, 166/779 tàu ở các địa phương khác cũng đã về nơi neo đậu.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng đặc khu Cát Hải tổ chức vận động, tuyên truyền, hỗ trợ di dời ngư dân lên bờ tránh trú bão số 3.
Tại các khu vực đê kè, cống xung yếu, đặc khu Cát Hải đã huy động phương tiện cẩu, xe tải tổ chức cắm 560 cọc tre gỗ, 1.150 bao cát gia cố thân đê đoạn 150m đê phía Nam, thuộc địa phận thôn Hòa Hy đến thôn Tiến Lộc.
Địa phương cũng triển khai phương án “4 tại chỗ”, huy động: 2.314 người, hơn 2.000m3 đá hộc, 2.900 bao tải, 1.880 cọc tre, 1800 áo phao… Đồng thời, chuẩn bị 35 ô tô, 48 xuồng máy, 7 xe cẩu và lương thực, thực phẩm, nước uống dự phòng.
Cũng theo lãnh đạo Đặc khu Cát Hải, hiện trên đảo chỉ còn 272 khách du lịch, trong đó có 89 khách quốc tế đều đã ở khách sạn, nơi tránh trú an toàn.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện lãnh đạo xã Kiến Hải cho biết, địa phương đã huy động lực lượng liên ngành kiểm tra trực tiếp, tuyên truyền, vận động các hộ dân ở ngoài đê trên địa bàn thực hiện các giải pháp ứng phó bão.
Qua thống kê, trên địa bàn xã Kiến Hải (khu vực huyện Kiến Thụy cũ) có 111 hộ với 383 nhân khẩu ở ngoài đê. Trong đó, có 24 người già yếu, 74 trẻ em.
Địa phương đã triển khai lực lượng, chuẩn bị các phương án di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn khi có yêu cầu.
Bộ đội Biên phòng cùng lực lượng liên ngành Đặc khu Bạch Long Vĩ tổ chức cẩu tàu thuyền của ngư dân lên đảo tránh bão.
35.400 cán bộ, chiến sĩ tham gia ứng phó bão số 3
Tại đặc khu Bạch Long Vĩ đến trưa 21/7, lực lượng chức năng kiểm đếm có 76 tàu thuyền với 84 lao động trên địa bàn.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng, thanh niên xung phong đặc khu Bạch Long Vĩ đã hỗ trợ cẩu 66 tàu thuyền lên bờ an toàn, di chuyển 10 tàu thuyền về âu cảng. Trên vùng biển Bạch Long Vĩ không còn tàu thuyền hoạt động.
Lãnh đạo đặc khu Bạch Long Vĩ cho biết, địa phương yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức chuẩn bị sơ tán 8 hộ dân khu vực mép nước đường dạo âu cảng khi có yêu cầu. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, thực phẩm, nước uống cho ngư dân và sẵn sàng ứng phó các tình huống, diễn biến cơn bão.
Tính đến trưa 21/7, Bộ Chỉ huy quân sự, Công an Hải Phòng đã huy động hơn 35.400 người tham gia chế độ trực, tổ chức rà soát, kiểm tra phương án, kế hoạch hiệp đồng, chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng xử lý các tình huống ứng phó bão số 3.
Đoàn viên thanh niên tham gia các đội phản ứng nhanh, gia cố nhà cửa, công trình, trụ sở cơ quan đơn vị.
Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố yêu cầu các đơn vị sử dụng hệ thống thông tin phối hợp các gia đình, chủ tàu, thuyền trưởng, chủ lồng bè để hướng dẫn ngư dân, đặc biệt tàu đánh bắt xa bờ nắm chắc diễn biến của bão, chủ động di chuyển về nơi an toàn.
Theo kế hoạch của Sở NN&MT Hải Phòng, địa phương đã lên kế hoạch sơ tán, di dời hơn 6.600 hộ với 19.700 người ở khu vực nguy hiểm trên toàn thành phố khi có yêu cầu.
Công tác di dời khách du lịch tại Cát Bà, Đồ Sơn cơ bản đã hoàn tất. Trong đó, Cát Bà có 16.000 người, 2.500 khách du lịch đã được sơ tán còn hơn 270 du khách; Đồ Sơn còn 1.335 khách ở tại 80 cơ sở lưu trú, trong đó có 55 khách nước ngoài.
63 trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê
Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tỉnh Hưng Yên cho biết, sau khi rà soát, thống kê, Sở phát hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 63 trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê; các trọng điểm đã có phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” và sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra.
Hiện có hơn 1.000 tàu thuyền đang hoạt động và neo đậu tại các cảng biển ở Hưng Yên. Ảnh: Trần Tuấn.
Lãnh đạo Sở NN&MT tỉnh Hưng Yên cho biết, lãnh đạo tỉnh vừa họp với các sở ngành có liên quan để bàn, thống nhất các phương án cụ thể phòng, chống bão số 3. Trong đó, yêu cầu quản lý chặt chẽ tàu, thuyền ra khơi; duy trì thông tin liên lạc, xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; từ sáng 21/7 tạm dừng tàu thuyền xuất bến tại các bến cảng, cửa biển.
Đến ngày 21/7, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.132 tàu, thuyền với 3.241 lao động.
Bên cạnh đó, có 1.012 phương tiện/2.753 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh; neo đậu ngoài tỉnh có 28 phương tiện/193 lao động.
Sở NN&MT Hưng Yên cho biết, hiện tất cả các phương tiện trên đã được chính quyền sở tại và lực lượng chức năng liên lạc và hướng dẫn thực hiện các chỉ đạo của tỉnh.
Để ứng phó với bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Thận vừa có chỉ đạo, tạm hoãn các cuộc họp, hội nghị thực sự chưa cần thiết; tạm dừng tổ chức Đại hội đảng cấp xã đến hết ngày 24/7 để tập trung cho phòng, chống, khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu, các ngành, địa phương tuyệt đối không được lơ là chủ quan trước diễn biến, tình hình của bão, đồng thời chủ động triển khai phương án phòng, chống bão thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng, vật tư, phương tiện và hậu cần đảm bảo theo chỉ tiêu kế hoạch được giao).
Tuyên Quang bố trí lực lượng tại các điểm ngập sâu
UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành văn bản số 342/UBND-KTN, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai biện pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời với bão số 3.
Theo chỉ đạo, Chủ tịch UBND các xã, phường phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Môi trường - cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang để cập nhật thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó với thiên tai.
Các địa phương chủ động rà soát, lập phương án sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; đảm bảo nơi ở tạm, lương thực và nhu yếu phẩm cho các hộ phải di dời. Đồng thời, triển khai biện pháp bảo vệ an toàn nhà cửa, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, cơ sở sản xuất, hệ thống điện, viễn thông...
Tỉnh yêu cầu bố trí lực lượng kiểm soát tại các điểm ngập sâu, tràn, ngầm, không để người và phương tiện qua lại khi chưa đảm bảo an toàn. Trường hợp phát sinh tình huống vượt khả năng xử lý, địa phương phải báo cáo để được hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thời tiết, cập nhật dự báo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai. Trong đó, chú trọng đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập thủy lợi, hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh tiếp tục rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có tình huống xảy ra. Các sở, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ chủ động kiểm tra công trình hạ tầng, chuẩn bị vật tư, thiết bị cứu hộ.
Với phương châm “bốn tại chỗ” và tinh thần “chủ động, kịp thời, quyết liệt”, tỉnh nhấn mạnh yêu cầu không chủ quan, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân lên hàng đầu, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống trong mùa mưa bão năm 2025.
Thanh Hóa thành lập các đội 'Thanh niên tình nguyện xung kích' hỗ trợ phòng, chống bão; Dựng lều tạm, di dời khẩn cấp 168 người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm
Ngày 21/7, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa vừa có văn bản đề nghị tổ chức Đoàn tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh thành lập mới các đội “Thanh niên tình nguyện xung kích” sẵn sàng tham gia hỗ trợ các hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả của bão, mưa lũ sau bão.
Thực hiện công điện số của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tập trung ứng phó với bão số 3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã có công văn đề nghị tổ chức Đoàn tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh thành lập mới các đội “Thanh niên tình nguyện xung kích”sẵn sàng tham gia hỗ trợ các hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả của bão, mưa lũ sau bão.
Đoàn viên thanh niên xã Thanh Quân (Thanh Hóa) hỗ trợ các gia đình bị mưa dông làm hỏng nhà
Theo đó, các tổ chức Đoàn Thanh niên tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh tập trung tuyên truyền sâu rộng, dưới nhiều hình thức về các quy định trong phòng, chống thiên tai; thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời diễn biến của bão số 3 để kịp thời tuyên truyền, cảnh báo trên các website, mạng xã hội của Đoàn, Hội...;
100% Đoàn các xã, phường kiện toàn, củng cố, thành lập mới các đội “Thanh niên tình nguyện xung kích”, sẵn sàng tham gia hỗ trợ các hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả của bão, mưa lũ sau bão.
Lực lượng chức năng hỗ trợ ngư dân ở Thanh Hóa đưa bè mảng đến nơi tập kết an toàn
Mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên là một kênh thông tin tuyên truyền về phòng, chống bão; sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ và tham gia khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra; chủ động phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong thực hiện phương châm 4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) gắn với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.
Người dân xã Na Mèo (Thanh Hóa) dựng lán ở nơi an toàn, chuẩn bị cho tình huống phải di dời
Trước đó, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công bố tình huống khẩn cấp, huyện Quan Sơn (cũ) đã chủ động đấu nối, phối hợp với sở, ngành liên quan thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng khu tái định phục vụ di dời khẩn cấp người dân bản Muỗng đến nơi ở an toàn. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay khu tái định cư vẫn chưa được xây dựng, người dân vẫn sinh sống trên nơi ở cũ.
Dựng lều tạm để người dân tránh trú
Chiều 21/7, ông Hà Xuân Thành, Bí thư Đảng ủy xã Trung Hạ (Thanh Hóa) cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 3, trong ngày 21/7, lực lượng chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lực lượng dựng lán tạm trên khu vực an toàn, ở gần bản.
Đến 16h ngày 21/7, công tác di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm ở bản Muỗng đã hoàn thành. Chính quyền địa phương cũng đã chuẩn bị điện, nước và lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian tránh trú...
Đến 16h ngày 21/7, 39 hộ dân ở bản Muỗng đã di dời đến nơi an toàn
Theo ghi nhận, một số địa phương, đặc biệt ở khu vực vùng núi, nguy cơ sạt lở, lực lượng chức cùng nhân dân đã chuẩn bị các phương án di dời như dựng lều tạm, chuẩn bị lương thực thực phẩm...
Đến chiều 21/7, Khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn hiện có khoảng gần 4.100 khách đang lưu trú. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, các cơ sở lưu trú (CSLT) du lịch trên địa bàn các phường Sầm Sơn và Nam Sầm Sơn đã khẩn trương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho du khách.
Anh Trọng - Thành Đạt - Hoàng Lam - Nguyễn Hoàn
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/hai-phong-huy-dong-hon-35000-can-bo-chien-si-tham-gia-ung-pho-bao-so-3-post1762135.tpo